Theo quy hoạch vừa được điều chỉnh, Hà Nội sẽ xây dựng cảng hàng không thứ 2 ở phía Nam gắn với mô hình đô thị sân bay, dịch vụ logistics quốc tế và đầu mối tiếp vận quan trọng.
Cấu trúc phát triển đô thị gồm 5 vùng
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch dự báo phát triển về dân số đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 – 70%. Đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.
Về sử dụng đất, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 148.000 – 150.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 89.000 – 90.000 ha (chiếm 26 – 27% diện tích toàn thành phố), đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 59.000 – 60.000 ha.
Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam – Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm; Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.
Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Phân kỳ thực hiện quy hoạch được chia theo các giai đoạn 2025-2030; 2030-2035; 2035-2045; 2045-2050 và tầm nhìn đến năm 2065.
Triển khai đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị
Theo đó, giai đoạn năm 2025-2030 hoàn thiện hệ thống các cơ sở pháp lý, các lớp quy hoạch thống nhất để tạo nền tảng cho sự phát triển theo quy hoạch.
Xây dựng hoàn thiện mạng lưới hạ tầng khung gồm các tuyến giao thông vành đai 4, vành đai 5, đường vành đai 4,5 (trục Bắc – Nam); nâng cấp các trục hướng tâm kết nối vùng. Phát triển hoàn thiện các khu đô thị mở rộng phía Tây (Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín) theo mô hình TOD và đô thị Hòa Lạc.
Triển khai đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị, cải tạo hệ thống sông, hồ nội đô, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết các khu vực đô thị cũ.
Giai đoạn năm 2030-2035 phát triển hoàn thiện chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng (Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh) với cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với giao thông công cộng hiện đại, tạo nên các trung tâm phát triển mới của Thủ đô. Phát triển hình thành trục sông Hồng, các cầu qua sông Hồng, tạo dấu ấn, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Giai đoạn năm 2035-2045 phát triển mở rộng và hoàn thiện các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Phú Xuyên để hình thành các đô thị cửa ngõ, thu hút các nhu cầu phát triển mới vào Thủ đô Hà Nội.
Kết nối với mạng lưới đô thị vùng tạo nên không gian phát triển đồng nhất. Phát triển mở rộng mạng lưới giao thông công cộng ra các đô thị vệ tinh và các địa phương lân cận để kết nối không gian phát triển.
Xây dựng cảng hàng không thứ 2 ở phía Nam theo quy hoạch gắn với mô hình đô thị sân bay, dịch vụ logistics quốc tế và đầu mối tiếp vận quan trọng.
Giai đoạn 2045-2050 và tầm nhìn đến năm 2065 phát triển hoàn thiện không gian đô thị, kết hợp hài hòa giữa không gian đô thị và nông thôn, giữa phát triển mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, hình thành đô thị có bản sắc, sinh thái, có cơ sở hạ tầng hiện đại.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-se-xay-san-bay-thu-2-o-phia-nam-192241231190152626.htm