Sáng 27.11, Quốc hội thảo luận luật Thủ đô sửa đổi. Một trong các vấn đề gây tranh luận là đề xuất cắt điện, nước như một biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Không thiếu biện pháp hữu hiệu
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) băn khoăn khi luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi năm 2020 đã không coi biện pháp cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế dù khi đó nhiều cơ quan, bộ, ngành đề xuất.
Theo ông, luật không thừa nhận là hợp lý vì việc cắt điện, nước gây ảnh hưởng quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của người không vi phạm hành chính.
“Ví dụ, cắt điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư nhưng những người dân sống trong chung cư lại bị ảnh hưởng”, ông Bình nêu.
Cũng theo đại biểu đoàn Trà Vinh thì biện pháp cắt điện, nước không phải là biện pháp nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người. Ông dẫn ví dụ, theo quy định của pháp luật thì cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đủ buồng tắm, nhà vệ sinh phù hợp, trang bị y tế…
“Việc trang bị buồng tắm, buồng vệ sinh cho người lao động không thể nào thoát ly khỏi việc sử dụng điện, nước. Nếu cắt điện, cắt nước thì vô hình trung đẩy người lao động ra khỏi sự bảo đảm của các biện pháp duy trì an toàn vệ sinh lao động”, ông Bình phân tích.
Từ đó, ông Bình đặt vấn đề: “Nếu cho rằng cắt điện, nước thì cơ sở sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động thì tại sao không áp dụng trực tiếp hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn mà phải cắt điện, nước?”.
Cạnh đó, với mục tiêu lợi nhuận, nếu như cắt điện một nhà xưởng nhất định thì chủ cơ sở có thể dồn người lao động vào một khu nhà xưởng không bị cắt điện, nước thì nguy cơ câu điện lậu trái phép, cháy nổ lại hiện hữu.
Theo đại biểu, các quy định hiện hành không thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu như việc đình chỉ hoạt động có thời hạn là chính danh, hợp lý, có thể ngăn ngừa thì tại sao không ưu tiên áp dụng mà áp dụng các biện pháp vốn dĩ không có tính chính đáng.
Theo ông Bình, nếu việc áp dụng các biện pháp hiện hành có vướng mắc như không có nhân lực thanh tra, kiểm tra thì cần gia cố khâu thi hành pháp luật chứ không phải vì thiếu công cụ pháp lý.
“Thừa nhận biện pháp cắt điện, nước là chúng ta đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự”, ông Bình nêu.
Áp dụng trên địa bàn Hà Nội là cần thiết
Tranh luận với đại biểu đoàn Trà Vinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), cho rằng quy định tại dự thảo luật chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực như đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy chứ không phải áp dụng cho tất cả.
Thứ nữa, việc cắt điện, nước chỉ được áp dụng khi đã bị lập biên bản và xử phạt hành chính rồi nhưng các cơ sở vẫn không khắc phục và tiếp diễn các vi phạm.
Cạnh đó, theo ông Tám, việc quy định cắt điện, nước như biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính tại thủ đô là cần thiết vì Hà Nội có yêu cầu rất cao trong đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
“Chúng ta cũng đang quy định đặc thù cho thủ đô, có thể có những cái khác với địa phương khác. Cho nên, việc quy định các biện pháp ngăn chặn trên địa bàn thủ đô là phù hợp”, ông Tám nói.
Dù vậy, đại biểu đoàn Kon Tum thừa nhận, khi áp dụng biện pháp này cần chú ý không làm ảnh hưởng đến cư dân xung quanh, đảm bảo quyền lợi cho họ.
Điều 34 dự thảo luật áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Các trường áp dụng biện pháp cắt điện, nước
Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng;
Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được xây dựng trên diện tích đất chuyển mục đích sử dụng trái phép;
Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động;
Cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.