Là một trong những đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, chính trị hàng đầu của cả nước, Hà Nội đang tận dụng và khai thác hiệu quả những lợi thế từ 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và thực thi, cũng như 3 FTA đang đàm phán.
Được ví như những đại lộ, “đường cao tốc” giúp đưa hàng hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng băng băng đến với thế giới, những FTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra cơ hội, động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế của Thủ đô hơn một nghìn năm văn hiến.
Thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là thông qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và hợp tác xã (HTX), những lực lượng đóng vai trò then chốt trong việc khai thác các cơ hội từ FTA.
Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt, những hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và FTA Việt Nam- Anh (UKVFTA) mang lại nhiều ưu đãi về thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp cận với những thị trường khó tính như châu Âu và các quốc gia phát triển khác.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, và xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mà còn tìm kiếm đối tác chiến lược, mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế.
Sở Công Thương Hà Nội chủ động đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tăng cường xuất khẩu. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
“Cơ hội vàng” cho doanh nghiệp Thủ đô
Chia sẻ bên lề Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hà Nội mới đây, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho rằng, các FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là “cơ hội vàng” cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Thủ đô.
Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở nhưng bà Vinh ý thức rằng, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ công nhân viên…”Tóm lại là phải có sản phẩm ‘sạch’ để chúng ta mang ra thế giới”, bà nói.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Có thể nói, tham gia FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp cơ hội tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động.
Cùng với đó, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và việc này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, mặc dù công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các FTA thế hệ mới đã đem đến những kết quả tích cực nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường các FTA này chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt, tỷ trọng kim ngạch hưởng ưu đãi từ các FTA còn khiêm tốn.
Nguyên nhân chính được Lãnh đạo Sở Công Thương chỉ ra là xuất phát từ những khó khăn, tồn tại như phần lớn các doanh nghiệp Hà Nội là SME nên năng lực cạnh tranh còn yếu; sản phẩm, hàng hóa phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, trong khi, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA lại gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan…
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, để có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất và quản lý. Điều này đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ vào công nghệ, nhân lực, và hệ thống quản lý chất lượng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập khẩu khi mà thị trường trong nước ngày càng mở cửa hơn. Các sản phẩm từ các quốc gia tham gia FTA sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh, đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước.
Thúc đẩy các giải pháp đồng bộ, kịp thời
Theo ông Mạc Quốc Anh, để doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, thành phố cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn.
Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức từ các hiệp định này.
Các hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là “cơ hội vàng” cho những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Thủ đô. (Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt Nam) |
Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, Hà Nội cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở văn phòng đại diện tại các nước trong khối thực hiện, từ đó có thể kết nối các tham tán, đại sứ quán để làm sao thông tin được nhanh chóng, kịp thời hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nước trong khối.
“Đặc biệt, phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo bởi nếu không đổi mới sáng tạo, không cập nhật kịp thời những xu hướng mới thì những sản phẩm sẽ trở nên lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh trong khi thế giới thay đổi liện tục…”, ông Quốc Anh gợi ý.
Từ việc nhận diện nhu cầu thực tế, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội dự kiến tiếp tục tập trung tổ chức các khóa đào tạo, thực hiện những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Hà Nội tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan…; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Thành phố sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác; chú trọng phát triển các ngành phụ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu; phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát triển thương mại điện tử, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới…
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, sắp tới, Sở Công Thương cũng sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình, chính sách, quy định mới của các thị trường để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong quá trình triển khai các FTA như cử các chuyên gia hỗ trợ giảng dạy và tuyên truyền chuyên sâu theo từng ngành hàng gắn với cam kết cụ thể; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế tại các địa phương để qua đó nâng cao hiệu quả của việc thực thi các hiệp định tại địa phương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ha-noi-luot-cao-toc-fta-dua-hang-hoa-thu-do-ra-the-gioi-283326.html