Baoquocte.vn. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gần hơn với khu vực đô thị.
Diện mạo mới văn minh, hiện đại của khu vực nông thôn Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Giang Huy) |
Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu đến năm 2025, Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo mới văn minh, hiện đại
Chương trình trên đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô. Đó là sự gia tăng nhanh chóng của hệ thống các cụm, điểm, khu công nghiệp tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Các làng nghề thủ công truyền thống tiếp tục được đầu tư, phát triển, nhận thức của người dân về kinh tế nông nghiệp được thay đổi rõ nét.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường cũng được Thành phố chủ trọng triển khai.
Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Nhiều địa phương đã có mức sống gần hơn với khu vực đô thị.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, đến tháng 10/2024, Hà Nội đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/18 huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới.
Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu khi hoàn thành và cơ bản hoàn thành 8/8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Về kinh phí, từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình là 75.755 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi hơn 27.710 tỷ đồng, ngân sách huyện chi gần 40.700 tỷ đồng, ngân sách xã chi gần 2.780 tỷ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách hơn 4.560 tỷ đồng.
Đặc biệt, 9 tháng năm 2024, TP. Hà Nội đã huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. với hơn 26.640 tỷ đồng.
Nhờ nguồn lực đầu tư lớn kể trên, hệ thống hạ tầng cơ sở của Hà Nội được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành, đem lại giá trị kinh tế lớn, đặc biệt có những mô hình doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể như: Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức hay mô hình nuôi vỗ béo bò BBB của một số nông dân ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng…
Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt 66,01 triệu đồng/người/năm (năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03%.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì. (Ảnh: Thiện Tâm) |
Bài bản, sáng tạo, chung sức, đồng lòng
Ngoài nguồn lực từ ngân sách thì việc huy động xã hội hóa là một trong những giải pháp quan trọng tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện của Thủ đô. Theo đó, nhiều địa phương đã có những cách làm bài bản, sáng tạo để người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như huyện Thanh Trì. Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, huyện được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt được kết quả này, về đích sớm hơn hai năm so với kế hoạch đề ra. Huyện đã triển khai các cuộc vận động chỉnh trang đô thị; cải tạo ao hồ, rà soát đất công quy hoạch làm khu vui chơi cho người dân, tạo “lá phổi xanh” trong các khu dân cư.
Hay tại huyện Thường Tín, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân… về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM, huyện đã tuyên truyền tại nhiều hội nghị để từng người dân hiểu rõ lợi ích và xác định trách nhiệm của mình.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh chia sẻ, từ chỗ nghĩ rằng xây dựng nông thôn mới là việc của Nhà nước, người dân Thường Tín ý thức rõ họ là chủ thể của chương trình và luôn sẵn sàng đóng góp sức người sức của.
“Trong Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy, huyện Thường Tín xác định mục tiêu phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2025. Nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và ủng hộ của người dân, Thường Tín có thể hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ngay trong năm 2024, sớm trước 1 năm so với kế hoạch ban đầu”, ông Từ Đức Mạnh nói.
Còn với huyện Thạch Thất, đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn; đến năm 2017, huyện có 21/21 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa, thị trấn Liên Quan phát triển theo hướng đô thị). Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Đến tháng 8/2024, huyện Thạch Thất có 5 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Thạch Thất luôn phát triển và tăng trưởng ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố…
Những tháng cuối năm, thành phố tập trung thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… hướng tới mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ nỗ lực, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu đề ra, phấn đấu không ngừng để có thêm nhiều lĩnh vực đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới đạt chuẩn toàn diện, đưa Thủ đô phát triển trong bối cảnh mới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ha-noi-giu-vung-vi-tri-la-co-dau-trong-xay-dung-nong-thon-moi-293616.html