Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hằng năm, do sự tăng dân số cơ học nên số học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn thành phố tăng nhanh, trong khi đó số trường, lớp bổ sung, xây mới chưa đáp ứng kịp thời cho người dân Thủ đô. 

Do vậy, Sở đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và áp dụng cơ chế đặc thù là cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. 

Các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh họa.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hằng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.

UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên công lập. Hiện nay mặc dù đã được quan tâm đầu tư, mua sắm, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, đặc biệt đối với những ngành nghề mới, đòi hỏi công nghệ cao theo nhu cầu của xã hội.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ của trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trong tình hình mới như: Đầu tư, phát triển trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thành trung tâm đào tạo, học tập suốt đời chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô; định hướng phát triển giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp giống như hệ thống giáo dục của một số nước, có thể liên thông lên đại học. 

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham mưu xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp. Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường cao đẳng và trường đại học ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn thành phố nhằm điều hòa hợp lý, bảo đảm chỗ học cho học sinh.

Cùng với đó, Sở sẽ báo cáo và tham mưu thành phố tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học. 

 HƯƠNG LINH