Cụ thể, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện tại TP Hà Nội có 425 chợ cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Trong đó, có hơn 19.300 hộ thuộc phạm vi đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Đến nay, 1.606 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ tại 9 quận, huyện đã được cấp biển nhận diện.
Riêng quận Hai Bà Trưng có 186 biển, là một trong những quận có số cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp biển nhiều nhất tại TP Hà Nội.
Với 113 cơ sở trên địa bàn vừa được cấp biển nhận diện đợt 2 năm 2023, ông Nguyễn Thế Hiệp đề nghị, cơ sở tiếp tục thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm, xứng đáng là địa chỉ an toàn, tin cậy của người dân Thủ đô.
Đồng thời, đề nghị các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm còn lại trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hoàn thiện các điều kiện để sớm được cấp biển nhận diện.
Đề cập đến nội dung này, ông Doãn Đức Bảo - Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Hai Bà Trưng cũng cho biết, thời gian qua, quận đã tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, nhằm phục vụ người dân, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Quận Hai Bà Trưng cũng tạo điều kiện cho hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Theo ông Bảo, trên địa bàn có 7 chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án, trong đó 2 chợ thuộc hạng 1 là chợ Hôm - Đức Viên và Trung tâm thương mại chợ Mơ (chợ Đồng Tâm đang làm thủ tục phân hạng chợ), 4 chợ hạng 3 là Vĩnh Tuy, Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai, Bách Khoa.
UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các phường có chợ, ban quản lý chợ triển khai phiếu khảo sát 409 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ theo biểu mẫu của Sở Công Thương.
Yêu cầu các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ ký cam kết, thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất thực phẩm trong chợ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Gần đây, tại quận Hai Bà Trưng không để xảy ra trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với sự vào cuộc đồng bộ, đến nay quận đã có 73 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ được cấp biển nhận diện (đợt 1).
Riêng trong đợt 2, đã có 113 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ được cấp biển nhận diện, trong đó 49 cơ sở tại chợ hạng 1, 64 cơ sở tại chợ hạng 2, hạng 3 và chưa phân hạng.
Đáng chú ý, biển nhận diện này có thời hạn 3 năm, sau đó, các cơ sở được kiểm tra chuyên sâu lại, nếu đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được cấp biển. Ngược lại, trong vòng 3 năm, nếu cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ bị thu hồi biển.
Nguồn
Bình luận (0)