Ngày 8.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội), đại diện cho 164 giáo viên có nguyện vọng và đủ điều kiện thăng hạng ở Hà Nội, cho biết đã gửi đơn kiến nghị với 2 nội dung mong được “tháo gỡ”.
Hà Nội vẫn yêu cầu bằng đại học đủ 9 năm dù Bộ GD-ĐT quy định không cần?
Ông Nguyễn Văn Đường cho biết: “Sở Nội vụ Hà Nội thực hiện không đúng việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên, không thực hiện công văn số 4306 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), nên nhiều giáo viên không được nộp hồ sơ thăng hạng đợt này dù đã đủ điều kiện theo quy định.
Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020, tại điểm d khoản 1 điều 32 quy định: “Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của luật Bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ”.
Tại điểm 2 khoản 9 điều 2 và điểm 3 khoản 10 điều 3 Thông tư số 08 của Bộ GD-ĐT quy định: “Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học và THCS cũ được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng mới (mã số V.07.03.29 và V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên THCS theo luật Giáo dục 2019”.
Như vậy, căn cứ vào Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Thông tư 08 và các chùm Thông tư 01, 02, 03, 03, 04 ban hành năm 2021 của Bộ GD-ĐT: từ thời điểm giáo viên đạt chuẩn theo luật Giáo dục 2019 (có bằng đại học) thì tất cả thời gian công tác của giáo viên kể từ khi giáo viên được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và giữ các hạng giáo viên cũ được xác định là tương đương với hạng giáo viên hiện giữ (hạng III mới).
Trước khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1.7.2020, giáo viên THCS có bằng cao đẳng là đã đạt chuẩn, giáo viên có bằng đại học trước thời điểm này đã ở trên chuẩn.
Sau khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên có bằng đại học được tính là đạt chuẩn, giáo viên nào chỉ có bằng cao đẳng thì mới ở dưới chuẩn nên không được chuyển sang hạng III mới cho đến khi có bằng đại học. Việc đạt chuẩn theo quy định chính là căn cứ để được xác định là tương đương giữa các hạng giáo viên.
Ngày 21.6, Sở Nội vụ Hà Nội ra công văn 1783 áp dụng về xác định thời gian giữ hạng tương đương theo quy định của Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, ngày 17.7, Sở Nội vụ Hà Nội lại tiếp tục ra công văn 2066, trong đó yêu cầu thời gian công tác của giáo viên được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới từ thời điểm giáo viên được cấp bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Thực hiện hướng dẫn trên của Sở Nội vụ Hà Nội, phòng nội vụ ở tất cả các quận, huyện đều không thu hoặc đã thu nhưng trả lại hồ sơ của hàng trăm giáo viên từ cuối tháng 7 với lý do chưa có bằng đại học đủ 9 năm.
Gần đây nhất là ngày 2.11, Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục ra công văn 3277 chỉ triển khai thực hiện thăng hạng cho các giáo viên đã nộp hồ sơ mà không cho giáo viên đã đủ thời gian giữ các hạng giáo viên nhưng có bằng đại học chưa đủ 9 năm được nộp hồ sơ bổ sung.
Ông Nguyễn Văn Đường bức xúc: “Luật Giáo dục 2019 đến 1.7.2020 mới có hiệu lực nhưng theo yêu cầu trên của Sở Nội vụ Hà Nội, chúng tôi buộc phải có trình độ trên chuẩn từ trước khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực mới được tính tương đương với đạt chuẩn của hạng III mới hiện nay. Đây là điều bất hợp lý và trái với quy định về chuẩn chức danh nghề nghiệp theo luật Giáo dục 2005 và các Thông tư 21 và Thông tư 22 có hiệu lực thi hành ở thời điểm trước khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực”.
“Điều này khiến chúng tôi vô cùng chán nản, hoang mang và thấy như mình đang bị bỏ lại ở phía sau”, ông Đường nói.
Chỉ thu hồ sơ xét thăng hạng của giáo viên từ cốt cán trở lên?
Theo ông Nguyễn Văn Đường, hiện nay, cả nước đang thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các cơ sở giáo dục đều đang thiếu giáo viên và đặc biệt là rất cần những giáo viên có thâm niên và nhiều kinh nghiệm nên nhu cầu lớn về giáo viên ở vị trí giáo viên hạng II là điều tất yếu và rất cần thiết lúc này.
Tuy nhiên, trong công văn 3277 yêu cầu các đơn vị rà soát và lập danh sách giáo viên đủ điều kiện thăng hạng nộp lên sở trước 17 giờ ngày 15.11, trong đó có nhiều điểm bất cập và không thống nhất với công văn 1783 mà trước đó sở này đã ban hành.
Cụ thể, trong công văn 1783, Sở Nội vụ có giao việc rà soát cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp và nhu cầu bố trí viên chức cho các đơn vị báo cáo thực hiện trong đó có nội dung: xác định nhu cầu bố trí viên chức theo chức danh nghề nghiệp của năm 2023 theo đề án vị trí việc làm; đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, công văn 3277 lại cho rằng: “Thực tế nhiều đơn vị đề xuất thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II chưa đảm bảo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp, chưa đúng đối tượng và điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng, đùn đẩy hồ sơ, danh sách thăng hạng lên cấp trên để né tránh trách nhiệm giải quyết”. Ông Nguyễn Văn Đường thắc mắc: “Không biết khẳng định này căn cứ từ đâu?”.
Cũng theo ông Đường, công văn 3277 chỉ yêu cầu “tập trung rà soát đề xuất đội ngũ giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ vai trò là trưởng, phó tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên cốt cán được thăng hạng cho phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục”, là không phù hợp với quy định tại điều 3 và điều 7 của Thông tư 34 ngày 30.11.2021 của Bộ GD-ĐT, không thống nhất với công văn 1783 của Sở Nội vụ trước đó và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Ông Đường cũng cho biết, thực hiện công văn 3277, hiện nay, nhiều trường chỉ thu hồ sơ của các giáo viên cốt cán trở lên mà không nhận hồ sơ của các giáo viên không phải cốt cán và lãnh đạo dù các giáo viên này đủ điều kiện dự thăng hạng theo quy định tại các nghị định của chính phủ và các thông tư của bộ chuyên ngành. Điều này một lần nữa gây hoang mang và làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của giáo viên.
Do vậy, ông Đường thay mặt 164 giáo viên gửi đơn kiến nghị tới Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ Hà Nội điều chỉnh công văn 3277 cho phù hợp để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên, thực hiện đúng, kịp thời việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để quyền lợi của nhà giáo được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Tập thể giáo viên này cũng kiến nghị Sở Nội vụ Hà Nội thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Bộ GD-ĐT từng khẳng định yêu cầu 9 năm đạt trình độ đại học là không đúng
Tháng 8 vừa qua, sau những băn khoăn, bức xúc của giáo viên về điều kiện thăng hạng, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn. Theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
“Trong đó, Bộ GD-ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng”, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.