Ngoài những danh thắng trên, tờ SCMP của Hồng Kông liệt kê loạt điểm đến nổi tiếng trên thế giới được in trên đồng tiền, thu hút đông đúc du khách, trong đó có Hạ Long và chùa Cầu (Hội An).
Tờ 20 nhân dân tệ của Trung Quốc mô tả một ngư dân trên chiếc bè tre trôi xuôi dòng sông Li giữa khung cảnh núi đá vôi “ở thế giới khác” gần Xingping, thuộc khu tự trị Choang Quảng Tây. Những chuyến du ngoạn trên sông từ Quế Lâm đi ngang qua thắng cảnh sẽ được tạm dừng cho du khách cầm một tờ tiền chụp ảnh cùng thắng cảnh ngoài đời thực.
Đó là “trend” chụp hình phổ biến, kéo dài trong suốt nhiều năm được du khách áp dụng mỗi khi đến một kỳ quan được in trên tờ tiền.
Đỉnh Everest cao vút lên bầu trời trên tờ tiền 1.000 rupee của Nepal. Tuy nhiên, trên thực tế, ngọn núi cao nhất thế giới đã xuất hiện trên mọi tờ tiền của Nepal phát hành từ năm 2007.
Ngọn núi cũng xuất hiện trên đồng tiền của New Zealand. Hình ảnh những đỉnh núi phủ tuyết trắng trên tờ 5 đô la New Zealand cùng nhà thám hiểm xứ Kiwi Edmund Hillary, người đầu tiên leo lên đỉnh Everest, nheo mắt nhìn về phía Aoraki/Mount Cook, đỉnh núi cao nhất ở đất nước nơi ông sinh ra.
Trong khi đó, núi Phú Sĩ đã xuất hiện trên tiền giấy của Nhật Bản từ năm 1950 và hiện có thể tìm thấy ở mặt trái của tờ 1.000 yên.
Tờ tiền 20 peso của Philippines có hình ảnh ruộng bậc thang Banaue trên vùng núi của tỉnh Ifugao được cho là được người dân trồng trọt khoảng 2.000 năm trước. Đây là Di sản Thiên nhiên thế giới của UNESCO.
Ngân hàng Negara Malaysia cũng đã đưa hai di sản thế giới vào mặt sau của tờ 100 ringgit. Cả hai đều ở Borneo: Công viên Kinabalu, ở Sabah, là nơi có Kinabalu, ngọn núi cao nhất ở Đông Nam Á và đỉnh Mulu trong Công viên quốc gia Gunung Mulu, Sarawak.
Kết hợp các dấu chấm chữ nổi để giúp những người gặp khó khăn về thị giác xác định các mệnh giá, tờ 500 rupee của Ấn Độ còn có hình Pháo đài Đỏ ở mặt sau.
Tọa lạc tại thủ đô New Delhi, pháo đài bằng đá sa thạch được vua Mughal Shah Jahan cho xây dựng vào năm 1639 và cũng là người xây dựng đền Taj Mahal.
Hàng năm, vào Ngày Độc lập của Ấn Độ (15.8), Thủ tướng nước này treo cờ và phát biểu từ thành lũy của pháo đài, sau đó là cuộc diễu hành quân sự.
Một mặt của tờ 10 đồng của Peru có hình Machu Picchu, thành phố Inca thế kỷ 15. Cho đến nay, mục đích của Machu Picchu vẫn chưa được hiểu rõ bởi các nhà khảo cổ còn đang tranh luận liệu đó có phải là một địa điểm tôn giáo, nơi sống của hoàng gia hay một đài quan sát thiên văn.
Lướt qua những tờ tiền nhận được từ quầy đổi tiền ở Việt Nam, bạn sẽ nhận thấy chùa Cầu được xây dựng từ thế kỷ 17 ở Hội An trên tờ 20.000 đồng. Công trình rộng 3m, dài 18m, mái che được lợp ngói âm dương, có khảm gốm men lam. Phần giữa có 5 nhịp đặt trên trụ đá cắm xuống nước. Phần cầu và chùa được ngăn bởi một vách gỗ và bộ cửa truyền thống “thượng song hạ bản” (phần trên có chấn song, phần dưới kín)…
Trên lối vào gian thờ có tấm biển đề chữ: “Lai Viễn Kiều” (cầu đón khách phương xa), đó là tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần đến thăm Hội An đầu thế kỷ 18. Đặc biệt, dưới tấm biển có hai “mắt cửa” (núm khóa chốt cửa) – đây là chi tiết kiến trúc đặc trưng ở Hội An.
Những địa danh nổi tiếng in trên tiền Việt Nam:
Chùa Phổ Minh (tờ 100 đồng), cánh đồng lúa Thái Bình (tờ 200 đồng), Cảng Hải Phòng (tờ 500 đồng), Tây Nguyên (tờ 1.000 đồng), Nhà máy dệt Nam Định (tờ 2.000 đồng), Nhà máy thủy điện Trị An (tờ 5.000 đồng), mỏ dầu Bạch Hổ (tờ 10.000 đồng), chùa Cầu – Hội An (tờ 20.000 đồng, Phu Văn Lâu – Huế (tờ 50.000 đồng), Văn miếu Quốc Tử Giám (tờ 100.000 đồng), hòn Đỉnh Hương (tờ 200.000 đồng) và nhà tranh làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An (tờ 500.000 đồng).