Thủ tướng Kobakhidze ngày 28/6 phát biểu trước quốc hội rằng chính phủ Gruzia đã ngăn chặn những nỗ lực từ bên ngoài nhằm biến nước này thành “Ukraine thứ hai”, và Tbilisi sẽ cố gắng hết sức để kịch bản nói trên không xảy ra trong tương lai.
“Về vấn đề Ukraine hóa, nỗ lực biến Gruzia thành Ukraine thứ hai, bao gồm tổ chức cách mạng Maidan và sau đó là mặt trận thứ 2 (chống Nga), chúng tôi đã nói về điều này nhiều lần. Đáng buồn thay, một số thế lực chính trị đã công khai tham gia vào việc đó.
Họ tuyên truyền và công khai kêu gọi mở mặt trận thứ 2 ở Gruzia. Tất nhiên, điều này đã làm tăng áp lực lên đất nước chúng tôi, nhưng trong những năm qua, chúng tôi đã thành công tránh được kịch bản như vậy và tất nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng chúng tôi cũng sẽ có thể đối phó với vấn đề này trong tương lai”, ông Kobakhidze nói.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng Gruzia từng phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự trong quá khứ và chính phủ sẽ không để bất cứ ai đẩy đất nước “vào tình trạng thảm khốc” như Ukraine đã bị đưa vào.
Chính quyền Gruzia đã nhiều lần đề cập tới những nỗ lực từ bên ngoài nhằm kéo nước này vào “mặt trận thứ 2” đối đầu với Nga, đặc biệt ngay sau khi chiến sự giữa Moscow và Kiev bùng phát.
Hơn nữa, các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền “Giấc mơ Gruzia – Gruzia Dân chủ: nhấn mạnh rằng bất kỳ sự tham gia nào vào cuộc xung đột sẽ mang lại kết thúc thảm họa đối với Gruzia, trong khi nhiệm vụ của chính phủ là gìn giữ hòa bình trong nước.
Hồi tháng 5, Gruzia đã bày tỏ quyết tâm thông qua luật “đặc vụ nước ngoài” bất chấp những quan ngại từ phía Mỹ và châu Âu.
Khi đó, ông Kobakhidze tuyên bố rằng, ông không muốn kịch bản Maidan Gruzia xảy ra như ở Ukraine năm 2014 vì nó sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Gruzia Shalva Papuashvili cho biết một số quốc gia đã nhiều lần kêu gọi Tbilisi tham gia vào cuộc xung đột với Nga. Ngoài thúc giục thúc giục Gruzia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các quốc gia này thậm chí kêu gọi Tbilisi đưa quân tới Ukraine.
Ông Papuashvili cho biết: “Nhiều bên đã thúc giục chúng tôi làm việc này, đồng nghĩa với việc tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga”.
Mặc dù ông Papuashvili không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào nhưng ông có ý chỉ rằng các thành viên của khối NATO cũng nằm trong số đó. Theo ông, chưa có quốc gia NATO nào chính thức gửi quân đội tới Ukraine, vì vậy ông không rõ tại sao Gruzia lại được yêu cầu làm điều này.
Ngoài ra, ông cho hay Gruzia từ lâu đã phải đối mặt với áp lực phải tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow.
Sau nhiều năm căng thẳng với Nga vì cuộc xung đột năm 2008, Gruzia tới nay đang theo đuổi cách tiếp cận trung lập với cuộc chiến giữa Moscow và Kiev.
Vào năm 2022, khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, Gruzia cho biết họ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với lý do lợi ích quốc gia. Điều này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Tbilisi và Kiev.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/gruzia-tuyen-bo-ngan-chan-thanh-cong-nguy-co-tro-thanh-ukraine-thu-2-20240629074652146.htm