Ban đầu chỉ là tò mò, thích thú khi lần đầu được đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định tại phường Tân Định (quận 1, TPHCM), nhưng sau khi được nghe thuyết trình về ý nghĩa lịch sử của những hiện vật được trưng bày tại đây, nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) thấy càng tự hào, khâm phục sự gan dạ, mưu trí, sáng tạo của các chiến sĩ biệt động trong trận đánh xuân Mậu Thân 56 năm trước.
Lỡ hẹn ngày về để tô đẹp mùa xuân
Khi nghe câu chuyện về chiếc xe Velo Solex có giá trị bằng một căn nhà ở Sài Gòn thời điểm ấy được ông Trần Văn Lai giao cho giao liên Nguyễn Ngọc Huệ để làm công tác vận chuyển thư từ, tài liệu trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, em Lê Hà My (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du) thích thú ngắm nhìn mãi chiếc xe. “Em tự hỏi, liệu khi ấy mình được giao nhiệm vụ như cô Huệ thì mình có đủ gan dạ, can đảm, khéo léo để thực hiện trách nhiệm trong nhiều năm như vậy không. Chuyến đi thật sự ý nghĩa với em, để em thấy tự hào hơn về cha ông ta ngày trước”, Hà My bày tỏ.
Suốt buổi tham quan, em Trần Minh Cát Linh (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du) luôn chăm chú nghe thuyết minh và nhìn từng hiện vật đang có trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Câu chuyện về lon sữa Guigoz giấu tài liệu, chiếc vali giấu đầy bom, hay sự sáng tạo của các chiến sĩ khi dùng chính vũ khí của địch để dụ và đánh lại địch khiến Cát Linh vô cùng khâm phục.
“Em nghĩ, thế hệ trẻ của chúng em cần học tập, tăng tính sáng tạo trong học tập và cuộc sống từ những việc nhỏ, như tái chế vật dụng để bảo vệ môi trường hay những cách giúp việc học được tốt hơn”, Cát Linh nói.
Đưa học sinh đi tham quan thực tế tại các bảo tàng, di tích là một trong những hoạt động sáng tạo trong chương trình dạy sử cho học sinh tại Trường THCS Nguyễn Du thời gian qua.
Hơn 1 giờ tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, nhóm bạn trẻ đến từ quận Gò Vấp được nhìn thấy những hiện vật, nghe câu chuyện lịch sử về trận đánh Xuân Mậu Thân của các chiến sĩ biệt động hơn 56 năm trước.
Dừng lại rất lâu ở khu vực tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, bạn Trần Thị Hồng Duyên (ngụ quận Gò Vấp) xúc động khi nhìn thấy nhiều hình ảnh người chiến sĩ còn rất trẻ.
“Tôi thấy vô cùng biết ơn, trân trọng và tự hào trước những hy sinh của các thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Chuyến đi thực tế vào thời điểm kỷ niệm chiến dịch Xuân Mậu Thân gần kề giúp tôi hiểu hơn về giá trị lịch sử của trận đánh. Trong trận đánh ấy, nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, trước thềm năm mới đã hẹn với gia đình rằng sẽ mang chiến công về góp phần tô đẹp cho mùa xuân. Thế nhưng, trận đánh ấy, các chiến sĩ trẻ đã mãi không bao giờ được sum họp cùng gia đình”, bạn Hồng Duyên chia sẻ.
Những anh hùng sống mãi trong trái tim người dân
Trong chuyến thăm con gái và cháu ngoại vào dịp cuối năm, bà Quách Kim Ngọc (69 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) được con gái đưa đi tham quan các di tích lịch sử tại TPHCM. Căn nhà nhỏ trong con hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) mới nhìn chỉ nghĩ là quán cà phê bình thường, nhưng đây là một Địa chỉ đỏ. Trong căn nhà này có hệ thống hầm bí mật dùng để cất giữ vũ khí chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
“Nhiều lần lên TPHCM thăm con cháu, nhưng đây là lần đầu tôi được ghé thăm nơi đây. Tôi đã nghe nhiều về hầm chứa vũ khí này, có thời điểm cất giấu gần 2 tấn vũ khí, từ thuốc nổ, lựu đạn đến súng ống và hàng ngàn viên đạn. Đây cũng là nơi Đội 5 Biệt động gồm 15 cán bộ, chiến sĩ đã nhận vũ khí và xuất phát, tấn công Dinh Độc Lập vào rạng sáng 31-1-1968”, bà Kim Ngọc xúc động khi được mắt thấy, tay sờ vào các hiện vật trong căn nhà lưu giữ nhiều kỷ vật mang giá trị lịch sử này.
Là người sống và lớn lên trong thời điểm đất nước chiến tranh, bà Kim Ngọc hiểu những gian khổ, khó khăn và sự hy sinh của người lính thời ấy. Với bà Ngọc, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn là những người anh hùng luôn ở trong trái tim bà, bởi họ đã kiên cường, dũng cảm hy sinh thân mình để làm nên trận đánh lịch sử năm nào.
Ngoài Địa chỉ đỏ tại quận 3, bà Kim Ngọc cũng đến tham quan tầng hai quán Phở Bình (đường Lý Chính Thắng, quận 3). Nơi đây từng là căn cứ chỉ huy của biệt động thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cũng là nơi phát lệnh cho các trận đánh “long trời lở đất” vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát… Và giờ, nơi đây trở thành bảo tàng thu nhỏ, ghi lại những chiến tích anh dũng của quân và dân ta trong trận đánh hơn nửa thế kỷ trước.
“Dù được nghe nhiều, nhưng tôi lại không thể hình dung ngay giữa lòng địch lại có những căn cứ nằm trong những ngôi nhà như thế này mà không bị địch phát hiện. Không chỉ có các chiến sĩ biệt động, mà chính sự gan dạ của người dân đã giúp người chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu ngay trong tầm mắt địch”, bà Kim Ngọc bày tỏ ngưỡng mộ.
Giờ đây, được ngồi ăn tô phở, uống ly cà phê, nghe câu chuyện về những chiến sĩ biệt động một cách sinh động ngay tại Địa chỉ đỏ giữa lòng TPHCM, bà Kim Ngọc cũng như thế hệ trẻ hôm nay càng hiểu hơn về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân ta. Để rồi những tự hào cứ dâng mãi trong lòng bà Kim Ngọc cũng như nhiều bạn trẻ, bởi nơi đây đã góp phần vang mãi những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa.
THÁI PHƯƠNG