Bất chấp áp lực từ châu Âu, cặp đôi Hungary và Hy Lạp đã sẵn sàng chặn gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga, đổi lại bằng điều kiện Ukraine phải gỡ bỏ tên các doanh nghiệp của họ khỏi Danh sách “Nhà tài trợ cho xung đột quân sự” do Kiev liệt kê.
Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: Lại vấp ‘đá tảng’ EU đành quay xe? lộ số phận khối tài sản Nga bị đóng băng. (Nguồn: YouTube) |
Đài truyền hình RTBF của Bỉ đưa tin, Hy Lạp và Hungary đã chính thức có động thái ngăn chặn dự thảo mới nhất về Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, tại cuộc họp của Ủy ban Đại diện thường trực của EU. Theo đó, Budapest và Athens đặt điều kiện loại bỏ một số công ty của họ khỏi danh sách các đối tượng hỗ trợ Nga “lách luật” vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trước khi họ đồng ý với gói trừng phạt mới.
Theo tiết lộ của tờ Politico ấn bản châu Âu, cuộc thảo luận về gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga đã bị hoãn lại một tuần cho đến ngày 14/6. Dù vậy, đến nay, các Đại diện thường trực của các nước châu Âu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và giải quyết các bất đồng “nhạy cảm”.
Châu Âu sẽ làm theo cách của mình?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell đã nhiều lần tuyên bố rằng, gói trừng phạt thứ 11 sẽ tập trung vào việc thắt chặt các cơ chế thực thi lệnh trừng phạt, như một phần của chiến dịch ngăn chặn nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ các lệnh phong tỏa. Trong một bước đi chưa từng có, gói trừng phạt thứ 11 có thể nhằm cả vào các quốc gia thứ ba – được cho là đang giúp Moscow lách các lệnh cấm vận thương mại từ EU.
Tuy nhiên, đến nay, không chỉ Hungary và Hy Lạp quyết chặn gói trừng phạt thứ 11 bằng một lý do riêng. Các nguồn tin nói với Politico rằng, tại một cuộc họp ở Brussels, Đức và Pháp đã lên tiếng lo ngại các biện pháp ngăn chặn đang được thảo luận có thể gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao, cụ thể là tác động tiêu cực đến quan hệ của Berlin, Paris với Bắc Kinh và Ankara.
Cuối tháng 5, một số phương tiện truyền thông châu Âu và các nguồn tin ngoại giao đưa tin, dự thảo ban đầu về các biện pháp trừng phạt của EC đã bị các nước thành viên EU bác bỏ và gửi lại để sửa đổi do lo ngại các biện pháp đó sẽ chỉ khiến EU bị cô lập trên thế giới. Trước những lo ngại này, các đề xuất ban đầu do EC đưa vào gói trừng phạt mới đã được sửa đổi.
Diễn biến mới này còn nằm trong bối cảnh một Học thuyết về An ninh kinh tế của EU đang hình thành. Châu Âu lo ngại họ có thể bị chèn ép giữa hai cường quốc thế giới, khi căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, cũng là hai đối tác thương mại lớn nhất của họ – tiếp tục leo thang.
EU muốn ngừng phản ứng trước các quyết định từ Washington và Bắc Kinh, để bắt đầu hành động theo các cách của riêng mình. Brussels hy vọng đạt được điều đó qua Học thuyết An ninh kinh tế đầu tiên của EU.
Theo giới quan sát, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ công bố Chiến lược An ninh kinh tế của EU vào 20/6 – đúng thời điểm các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này vào ngày 29-30/6. Nó diễn ra sau cuộc họp G7 vào tháng trước, trong đó mục tiêu “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc là một chủ đề chính.
EU bị cho là đang ở vị trí địa chính trị không dễ chịu – khi nằm trong tâm điểm căng thẳng vẫn đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù một bên là đồng minh của Mỹ, nhưng Brussels muốn tiếp tục nói chuyện — và giao dịch — với Trung Quốc. Nhưng họ đồng thời nhận ra rằng, châu Âu cần phải giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là sau những cú sốc về chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những “cái giá phải trả quá cao” cho việc phụ thuộc quá nhiều về kinh tế vào một chế độ chuyên chế.
Tài sản của Nga sẽ dùng tái thiết Ukraine?
Trong một diễn biến có liên quan quan hệ Nga-EU, trích dẫn dữ liệu từ EC, tổng giá trị tài sản tư nhân của Nga bị đóng băng tại EU do lệnh trừng phạt đã lên tới 24,1 tỷ Euro (khoảng 25,9 tỷ USD), tờ báo Đức Welt am Sonntag tiết lộ hồi cuối tháng 5.
Tờ báo Đức cũng đưa tin, tài sản tư nhân bị đóng băng của Nga đã tăng từ 18,9 tỷ Euro vào tháng 12/2022 lên 24,1 tỷ Euro vào tháng 5/2023. Đồng thời cho biết thêm, khoảng 1.473 cá nhân và 205 công ty từ Nga hiện đang bị EU trừng phạt.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, gần một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga đã bị trừng phạt, lên tới khoảng 300 tỷ USD – như một phần trong chiến dịch trừng phạt hà khắc của phương Tây nhằm làm suy yếu Moscow.
Thông tin này được đưa ra sau khi các luật sư của EC kết luận rằng, tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, vốn đã bị phương Tây đóng băng, sẽ phải được trả lại cho Moscow sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc, theo báo Die Welt của Đức hồi tháng trước.
Tờ báo trích dẫn một tài liệu chưa được công bố của EC, trong đó nêu rõ, tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga “không thể động đến vì từ trước đến nay, khi xung đột kết thúc, chúng sẽ phải được trả lại cho chủ sở hữu – ở đây là Nga”. Các chuyên gia của EC đã đi đến “kết luận chính thức trên”, dù trước đó, họ đã tiết lộ những tính toán khác và cho biết “có ý chí chính trị, nhưng rào cản pháp lý rất cao”.
Hội đồng châu Âu trước đây cho biết, họ đã nêu các yêu cầu từ EC về khả năng sử dụng tài sản của Nga để tái thiết Ukraine.
Tuy nhiên, ngay từ khi ý tưởng đó xuất hiện, từ hồi tháng 10/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cho biết việc phương Tây sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp tái thiết Ukraine là một vấn đề pháp lý phức tạp, sẽ đòi hỏi EU phải vượt qua nhiều rào cản pháp lý trước khi đưa ra quyết định.
Trong một thông tin mới, Politico mới đây dẫn lời Jim O’Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ – tuyên bố rằng, số các lô hàng vi mạch và linh kiện điện tử quan trọng “cập bến “Nga đã trở lại mức trước khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine. “Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn Moscow “lách luật”, Nga vẫn đang cải thiện khả năng chống lại các biện pháp trừng phạt, Politico nhấn mạnh.