Gọi tên tứ mã cổ phiếu ngành dược

Báo Đầu tưBáo Đầu tư11/02/2025

Bốn mã cổ phiếu ngành dược phẩm vốn có tính phòng thủ cao đã chuyển thế tấn công với đà tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ - đều đang có câu chuyện liên quan đến bán vốn cho đối tác chiến lược và/hoặc thoái vốn nhà nước.


Bốn mã cổ phiếu ngành dược phẩm vốn có tính phòng thủ cao đã chuyển thế tấn công với đà tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ - đều đang có câu chuyện liên quan đến bán vốn cho đối tác chiến lược và/hoặc thoái vốn nhà nước.

Với nền tảng cơ bản tăng trưởng ổn định, cổ tức đều, việc có thêm chất xúc tác mạnh đã giúp các cổ phiếu dược phẩm này vượt trội so với thị trường.

Phiên giao dịch sáng nay (11/2), cổ phiếu dược có giao dịch tích cực, cổ phiếu IMP (CTCP Dược phẩm Imexpharm) tăng kịch trần lên vùng 49.650 đồng/cổ phiếu; DMC (CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco) cũng sắc tím tăng hết biên độ lên vùng 86.600 đồng/cổ phiếu, DBD (CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định -BIDIPHAR) tăng gần 3%, DHT (CTCP Dược phẩm Hà Tây) tăng nhẹ 1%…

Tính trong 1 năm gần nhất (đến 8/2/2025), cổ phiếu IMP ghi nhận tăng 67,54%, thanh khoản trung bình 101.000 đơn vị/phiên; DBD tăng gần 39%, thanh khoản hơn 220.000 đơn vị/phiên, có sự vượt trội trong quý cuối năm 2024 với 28%; DHT ghi nhận tăng giá đến 231,5% với thanh khoản trung bình hơn 100.000 đơn vị/phiên; DMC gây ấn tượng với 2 cây trần liên tục (22-23/1/2025) trước thông tin SCIC đấu giá cổ phần, cũng ghi nhận mức tăng tốt hơn 45% trong một năm gần nhất, thanh khoản chỉ hơn 3.000 đơn vị/phiên. 

Cổ phiếu ngành dược vốn dĩ được thị trường biết đến là cổ phiếu phòng thủ bởi đặc tính cô đặc, tăng trưởng ổn định qua các giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế, và cổ tức đều đặn - hấp dẫn hàng năm. Nhìn lại lịch sử, nhóm cổ phiếu này thường chỉ nổi sóng nếu có câu chuyện thoái vốn Nhà nước chào đón cổ đông ngoại tham gia. Cổ đông ngoại thì tuỳ vào doanh nghiệp và từng giai đoạn, thường thấy sẽ là cổ đông tài chính tham gia, sau đó bán lại cho các cổ đông chiến lược là tập đoàn dược phẩm nước ngoài. Với mỗi sự chuyển biến về cổ đông lớn, giá cổ phiếu ngành này thường “phi mạnh”. 

Nhìn chung cho toàn ngành có thể thấy, ở giai đoạn trước gắn liền công tác cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì ngành dược phẩm đã chứng kiến các thương vụ M&A lớn giữa Domesco và Abbott, Dược Hậu Giang và Taisho, Imexpharm và SK Group, hay sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn của Traphaco… Gần hơn là thương vụ Dược Hà Tây và ASKA Pharmaceutical.

Trong năm 2024, tuy không diễn ra thêm thương vụ M&A lớn, nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục thể hiện sự kỳ vọng tích cực vào triển vọng ngành dược Việt Nam thông qua việc tiếp tục đầu tư và nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược.

Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi đợt sóng mới được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đến từ IMP trước thông tin SK Group muốn chuyển nhượng cổ phần; DBD đang có tiến triển trong công tác bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược đã được ĐHĐCĐ 2 mùa thông qua; DMC với thông tin thoái vốn Nhà nước; DHT với diễn tiến từng bước nâng sở hữu của cổ đông lớn Nhật Bản. 

Trước đà tăng ấn tượng của IMP, từ đặc tính nhóm cổ phiếu ít được nhà đầu tư cá nhân chú ý vì ít có sự biến động giá, ghi nhận ở các room tư vấn đầu tư, khuyến nghị mua theo phân tích kỹ thuật kèm theo các thông tin cơ bản tốt (như kết quả kinh doanh tăng trưởng) về IMP gia tăng khá tốt trong năm 2024 tới nay. 

Với DHT, cổ đông lớn ASKA Pharmaceutical Co Ltd. cũng tương tự, tăng sở hữu từ 24,9% lên 32,56% vốn (tháng 12/2023) và liên tục mua vào trong năm 2024 để tăng sở hữu lên 38,2%. Giai đoạn đầu năm đã mua thêm 1,41 triệu cổ phiếu, tăng sở hữu lên 39,94%. Hiện cổ đông Nhật này đang tiếp tục đăng ký mua thêm 90.000 cổ phiếu DHT trong tháng 2. 

Nhiều nhà đầu tư trên thị trường và cả các tổ chức đầu tư đang “thắng lớn” với khoản đầu tư này bởi tính toán mua đúng sóng “tăng sở hữu của cổ đông ngoại”, hay được gọi với tên “game thâu tóm”. Tuy nhiên, vì giá tăng mạnh nên việc mua thêm đối với DHT không được nhiều tư vấn khuyến nghị. 

Diễn biến khá tương đồng tại, DBD, có thể thấy, cổ đông lớn KWE Beteilgungen AG liên tục tăng tỷ lệ sở hữu từ mức 6,99% (tháng 3/2024) lên 10,01% (tháng 12/2024). Hiện DBD liên tục tiếp xúc các nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm nhà đầu tư chiến lược mua 23,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ.

Ghi nhận ở nhiều nhóm tư vấn đầu tư, các cổ phiếu này đều có cơ hội tăng giá khi các thương vụ có tiến triển đến những cột mốc quan trọng hơn. 

IMP - trước đó với nhiều “lầm tưởng” về game tại IMP đã hoàn tất khi lộ diện SK Group là cổ đông chi phối với tổng sở hữu 65% vốn, thì cổ phiếu này gây bất ngờ trước đà tăng mạnh mẽ trong năm 2024 và thông tin từ Bloomberg về khả năng có thể bán số cổ phần này cho đối tác khác.

IMP được biết đến là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm uy tín, thế mạnh thuốc kháng sinh (chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục sản phẩm), có nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU nhất trên sàn chứng hoán. Hiện IMP có 4 cụm nhà máy với 7 nhà máy và xưởng sản xuất. Trong đó, nhà máy IMP 2,3,4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Thông tin mới nhất, IMP đã đưa dây chuyền 3 tại nhà máy IMP4 vào hoạt động từ cuối tháng 10. Công ty nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trước cho nhà máy IMP4 và dự kiến tỷ lệ sử dụng của nhà máy IMP4 sẽ đạt khoảng 80% - 90% vào quý IV.

Imexpharm hiện có vốn điều lệ 1.540 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm, SK và các bên liên quan (KBA, Binh Minh Kim) sở hữu khoảng 64,8% vốn. Tổng công ty Dược Việt Nam nắm 22% cổ phần ở IMP.

Quý 4/2024, IMP ghi nhận lãi kỷ lục 121 tỷ đồng, tăng 67%, góp phần đưa lợi nhuận 2024 là mức cao nhất trong lịch sử, 321 tỷ đồng. 

Với DBD có danh mục sản phẩm của DBD rất hấp dẫn, gồm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân là 3 nhóm thuốc điều trị chính của DBD. Đặc biệt, DBD là doanh nghiệp dược niêm yết duy nhất có lợi thế cạnh tranh tương đối lớn trong nhóm sản xuất thuốc ung thư, đặc biệt so với các đối thủ trong nước, DBD có sản phẩm đa dạng với khoảng 20 loại hoạt chất khác nhau, trong khi các doanh nghiệp còn lại trong nhóm thuốc 3-5 chỉ có 1-4 hoạt chất điều trị ung thư.

DBD đã khánh thành nhà máy thuốc ung thư dạng tiêm và viên vào cuối năm 2023 đạt chứng nhận WHO-GMP và hiện đang xin cấp chứng nhận EU-GMP cho hai dây chuyền này.

Việc nâng cấp dây chuyền sản xuất lên tiêu chuẩn EU-GMP, đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới và các chính sách khơi thông quy định đấu thầu tại kênh bệnh viện của Chính phủ đã củng cố triển vọng dài hạn của DBD dựa trên kỳ vọng gia nhập thị phần thuốc đấu thầu generic nhóm 1 và 2– 2 nhóm có doanh thu cao nhất trong mảng thuốc đầu thầu tại bệnh viện và hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thuốc ung thư vào được nhóm này.

Ngoài ra, DBD đã ký kết với Crearene AG, công ty có trụ sở tại Frauenfeld, Thụy Sĩ, để phát triển các giải pháp điều trị bằng creatine cho bệnh nhân chạy thận. Chuyên viên phân tích chứng khoán đánh giá, đây là mặt hàng mới hoàn toàn, DBD sẽ có nhiều lợi thế vì nhận độc quyền sản phẩm.

Về kết quả kinh doanh, DBD tiếp tục ghi nhận thêm 1 năm tăng trưởng với doanh thu 1.727 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 275 tỷ đồng. Kết quả này củng cố thêm niềm tin của nhiều nhà đầu tư về việc DN có nền tảng kinh doanh tốt, có lợi thế cạnh tranh sẽ được “trả giá” hấp dẫn. 

Trong khi với DMC, gây chú ý với thông tin đầu năm nay về việc SCIC sẽ thoái trọn lô gần 35% vốn, với giá khởi điểm hơn 1.531 tỷ đồng, tương đương 127.046 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn nhiều so với thị giá DMC trên sàn chứng khoán hiện tại (quanh 72.000 đồng/cổ phiếu).  

Nhiều ý kiến cho rằng, ứng cử viên sáng giá chỉ có cổ đông lớn hiện nay của DMC là Abbott đang là cổ đông lớn và cũng là cổ đông chi phối hơn 51% vốn. Thương vụ này không chỉ định hình lại cấu trúc sở hữu của DMC mà còn có thể tạo động lực lớn cho cổ phiếu DMC trong thời gian tới.

Nếu thành công, đây sẽ là đợt đấu giá cổ phần lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây kể từ khi Petrolimex đấu giá thành công 40% vốn PGBank hồi đầu tháng 4/2023.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, năm 2019, SCIC từng thất bại trong việc bán vốn doanh nghiệp dược này do không có nhà đầu tư tham gia. Khi ấy, giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 119.600 đồng/đơn vị, cao hơn 64% so với thị giá cổ phiếu DMC cùng thời điểm.



Nguồn: https://baodautu.vn/chuyen-the-tan-cong-goi-ten-tu-ma-co-phieu-nganh-duoc-d244752.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available