Chủ nhà ưng ý, khách đến lại chê
Vừa qua, doanh nhân “Shark” Bình mang chín tráp lễ từ Hà Đông (Hà Nội) đi hỏi cưới diễn viên Phương Oanh tại Phủ Lý (Hà Nam). Tại nhà nữ diễn viên, lễ ăn hỏi được đầu tư với nhà rạp được trang trí bằng trúc và sen do Phương Oanh tự lên ý tưởng.
Lễ ăn hỏi được gia đình chuẩn bị rất công phu, song cách bài trí rạp cưới nhận về không ít những ý kiến, nhận xét trái chiều.
8 năm lăn lộn trong nghề tổ chức sự kiện tiệc cưới, chị Đỗ Thị Hồng Ánh (Vĩnh Phúc) luôn quan sát, học hỏi để cải tiến rạp cưới cho đơn vị của mình hiện đại hơn.
“Bệnh nghề nghiệp”, những hình ảnh lan truyền về phông cưới, rạp cưới trong lễ ăn hỏi của diễn viên Phương Oanh cũng khiến chị Ánh chú ý.
Bởi, mới đây, chị cũng thực hiện trang trí cho một rạp cưới bằng hoa sen trắng, sử dụng tông màu xanh – trắng theo yêu cầu của cô dâu. Rạp cưới này có nhiều điểm khá tương đồng rạp cưới hỏi của cặp đôi Phương Oanh – Shark Bình.
“Tháng trước, tôi cũng nhận trang trí tiệc cưới mà cô dâu thích hoa sen. Sau khi chúng tôi lên ý tưởng, thiết kế mẫu, khách hàng đã tin tưởng giao việc.
Tôi đã chọn sen trắng kết hợp với nền lá xanh và hoa lụa hồng điểm xuyết để không gian rạp cưới tinh tế hơn. Rạp cưới toát lên màu trắng là chủ đạo trên nền xanh. May thay khách ưng ý”, chị Ánh chia sẻ.
Thông thường, “mùa” cưới sẽ diễn ra vào những tháng đầu năm hoặc cuối năm (mùa lạnh). Ngày cưới được các cặp đôi chọn theo lịch âm, nên thời điểm tháng 6, đúng giữa hè hiện tại, chị Ánh chỉ nhận khoảng 15 đám cưới. Nếu đúng mùa cưới, mỗi tháng, đơn vị tổ chức phải “chạy sô” 30-40 tiệc cưới.
Để một buổi lễ diễn ra trang trọng, ấn tượng, đơn vị của chị Ánh cung cấp cả dịch vụ trang trí tư gia lẫn nhà hàng, nơi đãi tiệc… Với việc bài trí tư gia, nhóm của chị phải chuẩn bị nhà rạp, bàn ghế, phông sân khấu, cổng hoa, phông “check-in” chụp ảnh, bàn tiểu cảnh cho khách đến mừng quà, trang trí ảnh cưới.
Ngoài ra, khách hàng có yêu cầu trang trí thêm cho không gian trong nhà, phòng cưới bằng đèn, ánh sáng, hoa tươi… thì người làm tổ chức sự kiện cũng phải đáp ứng.
Chị Hồng Ánh cho biết: “Mỗi gia đình đều có những sở thích, yêu cầu khác nhau. Vì vậy, chi phí cho mỗi rạp cưới cũng không giống nhau. Thông thường, những khách hàng ở thành phố mà tôi nhận sẽ phải bỏ ra số tiền từ 20-30 triệu đồng. Rạp cưới trị giá cao nhất tôi từng làm lên đến 500 triệu đồng”.
Sau khi khách hàng đặt lịch, những người làm dịch vụ cho thuê, thiết kế rạp cưới sẽ đến khảo sát không gian tổ chức. Những ý tưởng trang trí sẽ thực hiện dựa trên yêu cầu của gia chủ. Nhiều gia đình muốn trang trí cầu kì, sử dụng nhiều vật dụng hoặc hoa tươi, chi phí sẽ cao hơn.
Trong những năm miệt mài theo đuổi đam mê tổ chức hoạt động cưới hỏi, chị Ánh tự tin nói phần lớn khách hàng hài lòng, phản hồi tốt. Song, chị tự nhận đây là công việc “làm dâu trăm họ”.
“Đôi khi không phải chủ nhà có ý kiến, mà những vị khách, họ hàng, hàng xóm đến dự cưới… lại chỉ trích. Không ít trường hợp, chỉ trích đến từ người không có nhiều kinh nghiệm về trang trí tiệc cưới nhưng lại tham gia khá gắt, buộc gia chủ cũng phải thay đổi theo”, chị Ánh chia sẻ.
Làm nghề dịch vụ, chị cũng phải góp ý, chia sẻ với khách hàng. Với những đám cưới xa xỉ, chị cùng cộng sự phải miệt mài chuẩn bị, trang trí nhiều ngày mới có thể dựng được một rạp cưới lung linh. Cũng chính vì thế, trong những tháng “mùa” cưới, chị có thể đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Bị quỵt tiền rạp cưới… trị giá hơn cây vàng
Nghề làm dịch vụ cưới hỏi ngày càng nở rộ, cạnh tranh khốc liệt, buộc các hộ kinh doanh, đơn vị không ngừng đổi mới.
Chị Lại Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, 15 năm làm nghề mới thấy rõ sự thay đổi chóng mặt trong cách bài trí rạp đám cưới. Mỗi năm lại có rất nhiều mẫu mới từ rèm, lọ hoa, bàn ghế… ra đời. Riêng với tiệm dịch vụ cưới hỏi của gia đình chị, mỗi tháng phải chi 40-50 triệu đồng tiền hoa trang trí.
Trong quá trình làm nghề, đến nay chị không thể quên được chuyện bị quỵt tiền tổ chức đám cưới. Cứ ngỡ là ngày trọng đại của gia đình, ai cũng muốn đám cưới diễn ra suôn sẻ, trọn vẹn nhất. Ai dè giữa thủ đô, chị lại gặp chuyện “dở khóc dở cười.
Năm 2018, chị nhận làm rạp cưới cho một gia đình ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Trước đó một năm, cũng chính tay chị trang hoàng đám cưới con cả của gia đình này. Lần này, con trai thứ hai của họ kết hôn.
Tất cả anh em, họ hàng của gia đình đều ở lân cận nhau. Đám cưới năm trước, gia đình thanh toán rất sòng phẳng nên lần thứ hai, người cung cấp dịch vụ chủ quan, không yêu cầu đặt cọc.
Ngoài trang trí rạp cưới, phông cưới, chị còn cung cấp dịch vụ với 7 tráp ăn hỏi, 14 người bê tráp, xích lô, trang trí phòng cưới, thuê xe Lexus đón dâu và 20 mâm cỗ cưới cho gia đình.
Tổng chi phí tổ chức đám cưới đó hơn 36 triệu đồng ở thời điểm đó, tương đương hơn 1 cây vàng. Đến khi xong việc, chị Hằng gọi điện cho bà mẹ chồng đặt cỗ thì đã bị chặn số lúc nào không hay.
Khi đến tận nhà, họ hàng người đó cho biết bố mẹ chú rể bỏ nhau, người này đã ôm tất cả tiền mừng cưới đi trốn. Đến cô dâu, chú rể cũng không còn tiền để trả nợ.
Đến công an trình báo, chị Hằng phát hiện gia đình này cũng có nhiều đơn thư đòi nợ khác. Ngậm đắng nuốt cay, bên cung cấp dịch vụ vừa mất công trang trí rạp cưới, vừa phải bù tiền trả cho cỗ bàn đã đặt giúp gia đình.
Đây cũng là bài học giúp chị thận trọng hơn trong quá trình làm việc. Thời điểm này, công ty của chị đã liên tục có khách hàng hỏi, đặt lịch làm rạp cưới cuối năm. Tính ra, có những ngày đẹp, chị đã nhận đến 22 đám cưới.
“Lúc đó nhân viên của chúng tôi phải làm việc hết công suất, từ sáng sớm đến đêm muộn. Riêng rạp cưới phải rải ra, lắp đặt trước nhiều ngày, chờ trang trí sau mới kịp”, chị Lại Hằng chia sẻ.