Cuộc sống bề nổi
Một mùa chuyển nhượng nữa lại sắp tới tại V-League và dự kiến sẽ có nhiều sự dịch chuyển của các cầu thủ. Bên cạnh nội binh, các ngoại binh cũng rất được chú ý, nhất là trong bối cảnh hầu hết các đội bóng trong nước đều đặt niềm tin vào những cầu thủ nước ngoài.
Dù vậy, thế giới của cầu thủ ngoại tại V-League ra sao là điều không phải ai cũng tỏ tường. Bắt đầu từ năm 2002, thời điểm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp đã xuất hiện các cầu thủ từ nước ngoài. Đa phần số này tới từ Nam Mỹ, châu Phi và số ít từ châu Âu.
“Có khoảng 90% cầu thủ ngoại tới Việt Nam chơi bóng đã qua thời kỳ đỉnh cao, không thể cạnh tranh được ở châu Âu hoặc nếu còn trẻ thì chất lượng chuyên môn thấp. Chỉ có vài cái tên thực sự đẳng cấp như Leandro của Hải Phòng, Philani của Bình Dương hay Hoàng Vũ Samson của Hà Nội trước đây”, ông Châu cho hay.
Cũng theo ông Châu, các cầu thủ ngoại sang Việt Nam khi sinh hoạt có hai xu hướng: “Nhóm cầu thủ châu Phi thông thường chọn ở chung cùng đội để tiết kiệm chi phí, họ không quá chú ý tới vấn đề vệ sinh. Nhóm cầu thủ Nam Mỹ, châu Âu hoặc châu Phi nhưng từng chơi bóng ở châu Âu thì họ muốn thuê nhà ở riêng vì họ ưa sạch sẽ. Việc thuê nhà do CLB hoặc công ty môi giới hỗ trợ”.
Còn về vấn đề ăn uống, ông Châu tiết lộ, cầu thủ ngoại mất khá nhiều thời gian để làm quen với các món ăn Việt Nam, nhanh thì 6 tháng, chậm thì cả mùa giải. “Ban đầu họ có thể ăn theo thực đơn riêng rồi dần làm quen. Cũng có một số CLB để cầu thủ tự do dùng bữa khi không theo đội đi thi đấu”.
Rượu, ma túy, mại dâm
Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ là bề nổi trong thế giới cầu thủ ngoại chơi bóng tại Việt Nam, phần phía sau hậu trường mới đáng để nhắc tới. Ông T, người đại diện có nhiều năm kinh nghiệm cho hay, đại đa số cầu thủ nước ngoài đều dính vào những tệ nạn như cờ bạc, nghiện rượu, gái mại dâm, thậm chí ma túy.
“Năm 2021, tiền đạo Molina (Argentina) của Bình Dương bị phát hiện tử vong trong một khách sạn ở TP.HCM do sốc ma túy. Trong khi đó, dù không lao vào ma túy nhưng Phan Le Issac (gốc Uganda) lại ăn chơi có tiếng trong khoảng 10 năm chơi bóng tại Việt Nam.
Khi đó, anh luôn là khách quen ở các vũ trường, quán bar cùng những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng. Cầu thủ này đã đốt khoảng 30 tỷ và tới năm 2020 thì gần như khánh kiệt vì không còn có thể thi đấu và phải nhờ người đại diện chu cấp toàn bộ chi phí ăn, ở trước khi về nước”, ông T thông tin.
Không riêng Issac, một loạt cái tên khác như: Tran Le Martin (gốc Uganda), Vincent Bousou (quốc tịch Pháp), Nguyễn Trung Sơn (Jeferson, gốc Brazil), Diabate Soulaymance (quốc tịch Mali) cũng sa sút vì lối sống buông thả. Martin tán gia bại sản vì cờ bạc; Vincent và Diabate nhiễm HIV trong khi Jeferson có nhiều mối quan hệ ngoài luồng nên gia đình tan vỡ.
Ông Nguyễn Minh Châu còn cho hay, ngoài tệ nạn, nhiều cầu thủ ngoại quốc nghiện rượu rất nặng. Tiêu biểu là thủ thành Phan Văn Santos, người từng được gọi lên khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.
“Santos bắt đầu sa đà vào rượu kể từ sau khi bị Hùng Vương An Giang thanh lý hợp đồng. Ít lâu sau thì bị tai nạn xe máy, hầu như ko có thu nhập, bán nhà, bán xe để sinh sống. Anh ta đánh đập vợ rồi li dị. Hiện, Santos sống ở khu Phú Mỹ Hưng và làm bảo vệ cho một tòa nhà nhưng mới bị đuổi việc vì say xỉn”, ông Châu kể.
Những tấm gương thành công
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngoại binh khi tới chơi bóng tại Việt Nam đều buông thả, có lối sống thiếu lành mạnh. Đại diện một đội bóng tại Hà Nội cho hay, nhiều cầu thủ nước ngoài thậm chí có ý thức tập luyện, thi đấu tốt hơn cả cầu thủ nội và đặc biệt tự giác trong sinh hoạt.
Nhiều cái tên ngoài sự chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu còn rất nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp, no ấm. Ông T vẫn nhớ như in trường hợp tiền đạo Tshamala Kabanga (quốc tịch Congo), từng thi đấu cho Đồng Tâm Long An và Quảng Nam.
Ngay khi còn chơi bóng, Tshamala đã có ý thức tích lũy cho tương lai. Ngoài lương thưởng, cầu thủ này đã sắm một xe bán nước mía kinh doanh ngay trước đại bản doanh CLB Đồng Tâm Long An.
Tới năm 2014, khi dính chấn thương dài hạn phải nghỉ thi đấu, anh đã đi học nghề sửa chữa điện lạnh. Sau giải nghệ, anh mở tiệm sửa điều hòa, tủ lạnh tại Long An, làm ăn khá phát đạt. Tshamala còn có một cụm sân bóng mini để cho thuê, đem lại thu nhập ổn định.
So với Tshamala Kabanga, Huỳnh Kesley (gốc Brazil) nổi tiếng hơn và cuộc sống của anh cũng khấm khá hơn. Vốn là một tiền đạo xuất sắc, thời đỉnh cao anh có thu nhập vào hàng khủng nhất trong số ngoại binh ở V-League. Quan trọng hơn, Kesley biết giữ mình, gần như nói không với những cuộc vui chơi hay tệ nạn.
“Cuộc sống của Kesley rất hạnh phúc, anh ấy và vợ hiện đang làm chủ một công ty chuyên cung cấp dịch vụ âm thanh, ánh sáng tại TP.HCM”, ông Châu tiết lộ.
Nhắc tới những cầu thủ ngoại chuẩn mực cũng không thể không nhắc tới Nguyễn Văn Bakel (gốc Hà Lan), Đoàn Marcelo (gốc Brazil). Cả hai cùng lấy vợ Việt và định cư tại Việt Nam. Bakel hiện theo nghề môi giới thể thao, làm đại diện cho một số cầu thủ. Anh cũng chính là người giúp đỡ Văn Hậu trong vụ sang Hà Lan chơi bóng cách đây hơn hai năm trong khi Marcelo mở một nhà hàng kinh doanh ăn uống tại Đà Nẵng.
Nhưng thành công nhất trong số ngoại binh đã và đang thi đấu tại V-League phải kể tới HLV Kiatisak. Ngoài tài năng trên sân cỏ, anh có lối sống mẫu mực, trở thành biểu tượng của HAGL. Nhờ số tiền kiếm được khi chơi bóng tại Việt Nam, Kiatisak đầu tư mở một công ty tư vấn thể thao khá lớn ở quê nhà Thái Lan, anh còn lập một quỹ để hỗ trợ các cầu thủ có khát khao nhưng hoàn cảnh khó khăn.
Kiatisak từng dẫn dắt đội tuyển Thái Lan giành hai chức vô địch AFF Cup, một lần lọt vào vòng loại cuối World Cup nhưng khi trở lại Việt Nam ngồi ghế nóng ở sân Pleiku, anh vẫn được người hâm mộ Việt Nam yêu mến.
Sẵn sàng lừa đảo, làm “trai bao”
Cựu tiền đạo Nguyễn Hằng Tcheuko Minh (36 tuổi, quốc tịch Việt Nam, người gốc Cameroon) hiện đang thụ án 16 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Tcheuko cùng hai đối tượng gốc Phi khác dùng thủ đoạn tặng quà cho nhiều người phụ nữ Việt Nam rồi yêu cầu chuyển nhiều loại phí khác nhau để chiếm đoạt. Vụ án do Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xét xử tháng 1/2020. Khi còn thi đấu, Tcheuko từng khoác áo Kiên Giang, Đồng Tháp và Đồng Nai.
Theo một cựu cầu thủ tại V-League, nhiều cầu thủ nước ngoài khi sang Việt Nam chơi bóng sẵn sàng làm “trai bao” để kiếm tiền ăn chơi. Họ có thể làm quen qua mạng xã hội hoặc đứng tại một số địa điểm cố định đợi “khách”. Mỗi lần “đi khách” như vậy, cầu thủ có thể kiếm được vài trăm, thậm chí cả nghìn USD nếu gặp đại gia.