Sau khi đoàn thanh tra sang Việt Nam kiểm tra vào năm 2018, đến tháng 11-2019, EC ra thông báo rút 9 nhóm khuyến nghị còn 4 nhóm, gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.
Sáu năm qua, chúng ta chưa gỡ được, dù giải pháp đã có nhiều. Cần tham khảo bài học của 2 quốc gia trong ASEAN đã gỡ thẻ vàng thành công là Philippines (sau 9 tháng bị phạt), đặc biệt là Thái Lan có đặc điểm, tình hình giống Việt Nam hơn, gỡ được sau 4 năm.
Bị EC phạt vào năm 2015, thời gian đầu, Thái Lan tiến hành một số biện pháp nhưng không thành công vì thiếu sự hợp tác của ngư dân vốn quen hành nghề tự do và ngại tốn kém. Tốn cũng phải làm, nước này thiết lập Hệ thống giám sát định vị tàu cá (VMS) toàn diện, tàu nào cũng phải gắn, chi phí tầm 1.000 USD/ tàu; ngoài ra chủ tàu phải trả phí dịch vụ VMS 25 USD/tháng.
Nhờ VMS, Tổng cục Thủy sản Thái Lan nắm chắc vị trí đánh bắt của ngư dân, kịp thời cảnh báo và can thiệp khi cần. Và cũng nhờ VMS, nguồn gốc thủy sản được truy xuất dễ dàng; không ai có thể gian lận xuất xứ. Như vậy, thay vì chờ các đối tác trong EU truy xuất nguồn gốc xong mới cho nhập hàng, nước này đi trước một bước.
Ngoài ra, Thái Lan xây dựng Trung tâm Giám sát nghề cá (tại tỉnh Samut Sakhon, giáp Bangkok), bố trí nhân viên chia ca trực 24/24 giờ. Toàn bộ hoạt động của tàu cá ngoài khơi đều hiển thị trên các màn hình đặt tại trung tâm này. Khi có tàu nào xâm phạm hải phận nước ngoài, nhân viên trung tâm sẽ phát thông báo, yêu cầu quay về. Đối với chủ tàu, cài app trên thiết bị cầm tay “chính chủ” là nghĩa vụ bắt buộc để đăng ký cho tàu ra vào bến, đồng thời nắm rõ lịch trình đoàn tàu của mình từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút.
Cũng thông qua hệ thống kiểm soát được số hóa toàn diện, các thủ tục, giấy phép được minh bạch, tuân thủ nghiêm; ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động trái phép, bóc lột lao động trên tàu. Minh chứng cho quyết tâm của chính phủ, năm 2018, Thái Lan phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về chống lao động cưỡng bức.
Đáng chú ý, Thái Lan chế tài rất nặng các trường hợp vi phạm, tái phạm, mạnh tay cấm hành nghề đánh bắt vĩnh viễn. Theo báo Bangkok Post, các chủ tàu đánh cá hiện phải chịu sự ràng buộc của hơn 300 điều khoản luật định. Chủ tàu, ngư dân khi đó cho rằng như thế là khắt khe, ngột ngạt nhưng các cơ quan chính phủ vẫn kiên định, không nới lỏng.
Và, cách làm cũng hay nữa là Thái Lan kêu gọi các doanh nghiệp thủy sản đầu đàn vào cuộc. Thai Union, doanh nghiệp chiếm 20% sản phẩm cá ngừ đóng hộp toàn cầu, mở chiến dịch “Thay đổi đại dương”, trọng tâm là giúp các bên truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bằng nhiều cách làm quyết liệt đã kể, đầu năm 2019, thủy sản Thái Lan được EU xóa thẻ vàng IUU.
Bài học đúc kết từ Thái Lan đó là quyết tâm sắt đá và ứng dụng số hóa. Nước bạn làm được, thì chúng ta không lẽ nào…