Đầu năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 (Nghị quyết 02) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, nhằm khơi dậy động lực, tinh thần cải cách giúp nguồn lực cho doanh nghiệp được khơi thông, giảm gánh nặng chính sách. Để Nghị quyết được thực thi hiệu quả, cần thay đổi cách thức thực hiện, bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá.
Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp kêu khó
Chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải trong việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong số các quy định ảnh hưởng kéo dài và nặng nề nhất đến doanh nghiệp thực phẩm đó là vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Bất cập này đã kéo dài gần 7 năm, kể từ năm 2017 đến nay và các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu rất nhiều khó khăn.
Còn ông Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam nêu thực tế, vướng mắc lớn nhất đối với đăng ký xe cơ giới hiện nay được quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 1/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới là phải đăng ký theo trụ sở của bên cho thuê tài chính, trong khi các công ty cho thuê tài chính hội viên đều có trụ sở tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh nên nảy sinh nhiều bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Hòe lấy dẫn chứng từ bốn công ty hội viên là Vietcombank Leasing, BIDV – sumi Trust, ACB Leasing, Sacombank Leasing, cho thấy những vướng mắc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cho thuê tài chính của các công ty. Cụ thể là việc 76 hợp đồng cho thuê tài chính bị khách hàng hủy bỏ không tiếp tục thực hiện và tổng số tiền đã ký hợp đồng nhưng không thể giải ngân của bốn công ty trên là 425,3 tỷ đồng.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02 vào cuộc sống. Đơn cử, về vấn đề thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Nghị quyết nêu rõ, doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc về EPR cho doanh nghiệp như tinh thần quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, những vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh còn ít được xem xét, thậm chí có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng trong lĩnh vực vận tải, Nghị định 10/2020/NQ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông-Vận tải bằng email trước mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, mỗi ngày doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Từ phía cơ quan quản lý cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email.
Để Nghị quyết được thực thi hiệu quả
Từ thực tế của doanh nghiệp, để cải thiện môi trường kinh doanh, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện nhằm tạo ra kết quả đột phá của Nghị quyết này. Bà Lý Kim Chi kiến nghị, quá trình thực thi Nghị quyết 02 cần phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ, ngành được giao. Phải tăng cường đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, các bộ, ngành tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình.
Để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các tài liệu cần được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn; đẩy mạnh phương thức giao dịch qua điện tử; nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi; cần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, doanh nghiệp kiến nghị cần nâng cao hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương-CIEM), Nghị quyết 02 đã kế thừa và phát triển cách tiếp cận đã thực hiện trước đây. Bà Thảo đánh giá, Nghị quyết này đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên; sự chủ động và trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan là yếu tố quan trọng quyết định thành công.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Nghị quyết 02 sẽ giải quyết trực tiếp và trực diện các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Ông Hiếu đề nghị, để Nghị quyết 02 được triển khai có hiệu quả, việc thực thi phải thực chất hơn và cần có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, tránh tình trạng “âm thầm” ban hành. Đặc biệt, việc soạn thảo, ban hành chính sách riêng lẻ cần tuân thủ triệt để Nghị quyết 02 để cân nhắc nhiều chỉ số tác động tới doanh nghiệp.