Chia sẻ với TG&VN tại Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 16 được tổ chức mới đây, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao vai trò của công tác ngoại giao kinh tế và nhấn mạnh đây là một trong những điểm sáng của năm 2023.
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký chia sẻ bên lề VESF lần thứ 16. (Ảnh: Vân Chi) |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngoại giao kinh tế trong bức tranh chung nhìn từ góc độ của cộng đồng doanh nghiệp?
Tôi cho rằng, ngoại giao kinh tế chính là một trong những điểm sáng của năm 2023. Như Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã nói, hỗ trợ tốt nhất cho ngành Du lịch chính là từ ngành Ngoại giao. Khi chúng ta nâng cấp quan hệ với một loạt các quốc gia quan trọng, hình ảnh của Việt Nam được nhắc đến với tần suất cao tại nhiều quốc gia, điều này sẽ thúc đẩy du lịch phát triển, hình ảnh của Việt Nam sẽ trở nên đẹp hơn, là điểm đến mà nhiều người muốn đặt chân tới.
Sự đóng góp của ngành Ngoại giao đối với du lịch hay nhiều ngành nghề khác theo tôi cũng là những dấu ấn đậm nét. Dòng vốn đầu đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, có sự đóng góp rất lớn từ công tác ngoại giao kinh tế. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã yên tâm lựa chọn Việt Nam. Không chỉ giúp tăng cường dòng vốn FDI, phát triển du lịch, ngoại giao kinh tế cũng hỗ trợ phát triển các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nếu dùng một tính từ để mô tả ngắn gọn những kết quả của công tác ngoại giao kinh tế năm vừa qua thì đó sẽ là gì?
Tôi muốn dùng từ “ngoạn mục” để nói về những thành tựu và tầm vóc mới mà công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được trong thời gian qua.
Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành có những điểm gì mới và sẽ mang lại những giá trị gì cho cộng đồng doanh nghiệp?
Một nét mới của năm 2024 là ngay từ đầu năm, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02. Trong năm 2023, nội dung của Nghị quyết 02 được lồng ghép vào Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Năm nay, việc Nghị quyết 02 được ban hành riêng cho thấy vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, trọng tâm của năm 2024, cần sự tập trung giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Trong Nghị quyết 02, Chính phủ tập trung rất nhiều vào năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, mục tiêu rõ ràng là làm sao để có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, làm ăn hiệu quả, giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Như vậy, ngoài việc khắc phục các khó khăn từ thị trường, chúng ta phải giảm thiểu các khó khăn từ cơ chế chính sách, tiếp cận vốn…
Trong nhiều nhóm giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đề cập, chúng tôi thấy nổi lên là việc giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành chủ động thường xuyên rà soát, từ đó đề xuất cắt bỏ rất nhiều quy định pháp luật, thủ tục hành chính không có lợi cho hoạt động kinh doanh.
Nền kinh tế chỉ trở nên cạnh tranh hơn khi hệ thống quy định pháp luật phải thuận lợi hơn nữa, đơn giản hơn nữa, cạnh tranh hơn nữa so với các quốc gia trong khu vực. Hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ các nước nếu các thủ tục hành chính, chất lượng quy định kinh doanh và sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 là rất quan trọng.
Qua nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02, tôi nhận thấy, điểm mấu chốt là làm sao chúng ta phải thực thi được định hướng này. Muốn như vậy, định kỳ hàng tháng, hàng quý, chúng ta cần có tổng kết, rà soát, kiểm tra xem nhiệm vụ nào đã hoàn thành, nhiệm vụ nào chưa vì kinh nghiệm qua nhiều năm cho thấy thường có sự chuyển động không đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong việc thực thi.
Ngoài ra, các cơ quan, bộ, ngành cần tích cực trao đổi, đối thoại thường xuyên với VCCI, các Hiệp hội doanh nghiệp để chủ động nắm bắt khó khăn, từ đó kịp thời điều chỉnh vì muốn tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả và thuận lợi thì phải có sự tương tác, đối thoại và nắm bắt kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ các nước nếu các thủ tục hành chính, chất lượng quy định kinh doanh và sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác. (Nguồn: VnEconomy) |
Năm nay, Nghị quyết 01/NQ-CP chỉ ra rằng Việt Nam cần những động lực tăng trưởng mới, những mô hình kinh doanh mới bên cạnh những mô hình kinh doanh cũ. Vậy Nghị quyết 02 sẽ hỗ trợ chủ trương này ra sao?
Nếu như Nghị quyết 01 là những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ ngành phải triển khai trong năm 2024 thì Nghị quyết 02 có những chỉ tiêu đánh giá, những định hướng giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng người… phù hợp để thúc đẩy các động lực quy định tại Nghị quyết 01.
Một năm có thể trôi qua rất nhanh nên nếu nhóm nhiệm vụ gắn với trách nhiệm từng người, theo mốc thời gian cụ thể thì sẽ biết được khi nào chúng ta sẽ hoàn thành khối lượng công việc này.
Ngoài ra, cần lưu ý, việc Nghị quyết 02 được ban hành ngay từ đầu năm cho thấy đây là công việc rất quan trọng và cấp bách, yêu cầu người đứng đầu bộ ngành địa phương phải thúc đẩy thực hiện.
Theo ông, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024?
Trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp là phải lấy lại được đà tăng trưởng cao. Trong năm 2023, dù đã rất cố gắng, nhưng trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn nên mục tiêu tăng trưởng của chúng ta vẫn chưa đạt được.
Năm 2024 sẽ là năm Việt Nam cần phải tăng tốc. Do đó, những thách thức nào cản trở mục tiêu này thì chúng ta cần phải dỡ bỏ để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
Để đạt được điều này thì chúng ta phải khẩn trương ngay từ đầu năm, cần sự vào cuộc ngay của các cấp, các ngành. Trong các nhóm giải pháp thì nhóm giải pháp liên quan đến thể chế, tháo bỏ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của các động lực tăng trưởng cần được quan tâm chú trọng. Đơn cử như rào cản cho sự phát triển của xuất khẩu, năng lực của doanh nghiệp tư nhân, dòng vốn FDI… cần được tháo gỡ bớt để tạo động lực cho tăng trưởng.
Thông qua việc ban hành Nghị quyết 01, 02 có thể thấy tín hiệu rất rõ là Chính phủ đang rất “sốt ruột”, hy vọng rằng sự sốt ruột này sẽ được chuyển tải xuống các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, từ đó tạo cảm hứng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong năm 2024.
Xin cảm ơn ông!