Mỗi năm TPHCM có gần 200.000 người tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các cơ sở GDNN gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mùa tuyển sinh 2024 đã bắt đầu, nhiều trường nghề trên địa bàn thành phố mong mỏi sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Sở LĐTB-XH TPHCM, thành phố hiện đang có tiềm lực mạnh mẽ trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động với 376 cơ sở GDNN (chiếm 12,51% cả nước). Bình quân hàng năm có trên 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ nghề, tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của thành phố và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, không ít cơ sở GDNN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý lúng túng, trở ngại khi triển khai các chủ trương, chính sách về hoạt động dạy nghề. Trong đó nổi cộm là chế độ, chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xã hội hóa GDNN chưa đủ hấp dẫn; công tác giao đất, cho thuê đất cho các cơ sở GDNN thực hiện chưa hiệu quả; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho người học nghề… Cụ thể, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, chính sách này có nhiều thay đổi về mức chi, cách thức thực hiện khiến các trường và địa phương lúng túng, chưa triển khai hiệu quả. Ngoài ra, công tác liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN, công tác phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp còn nhiều trở ngại…
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, chia sẻ, việc xây dựng cơ sở của trường rất khó khăn, thủ tục phức tạp. Khi xảy ra vướng mắc, đơn vị gõ cửa khắp nơi nhưng các sở, ban ngành và địa phương đùn qua, đẩy lại mà không giải quyết được. Tương tự, TS Tống Văn Danh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết, trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng cơ sở 2 (diện tích 10ha tại khu Làng Đại học, huyện Nhà Bè). Dự án này đã thực hiện từ năm 2014 đến nay nhưng chưa xong do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ 2, cho hay, việc triển khai công tác dạy văn hóa cấp 3 trong trường nghề gặp khó. Đồng thời, ông nêu thực tế một số chính sách hỗ trợ phát triển, đặt hàng đào tạo của TPHCM chưa bố trí công bằng cho các trường trực thuộc cơ quan trung ương trú đóng trên địa bàn thành phố, trong đó có Trường Cao đẳng kỹ nghệ 2.
Quyết liệt tháo gỡ
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh, những khó khăn của các cơ sở GDNN là thực trạng đã được sở nhận diện và sở đang quyết liệt rà soát, sửa đổi nhằm rút ngắn các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xử lý. Đối với các thủ tục do những đơn vị khác phụ trách, sở sẽ có văn bản đề nghị các đơn vị bạn hướng dẫn, hỗ trợ để tháo gỡ nhanh cho cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thành phố đã và đang tăng cường chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng và tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề theo mô hình kép doanh nghiệp – nhà trường; các đơn vị liên quan cũng tăng cường nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, đặc biệt là dự báo lao động ở các khu vực chính thức, phi chính thức; xây dựng hệ thống kết nối cung – cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) lưu ý, khó khăn vướng mắc của các cơ sở GDNN trên địa bàn TPHCM cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở GDNN khác. Vấn đề trước mắt là thành phố và các tỉnh, thành phải quyết liệt tháo gỡ bất cập trong việc kêu gọi xã hội hóa GDNN, vì hiện số lượng cơ sở GDNN kêu gọi xã hội hóa mới đạt gần 37% trong tổng số 1.888 cơ sở GDNN trên cả nước. Trong khi mục tiêu được đặt ra đến năm 2030 phải có 50% cơ sở GDNN thực hiện xã hội hóa.
TPHCM phấn đấu đến năm 2030 thu hút 45-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; khoảng 70% các cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; có khoảng 10 trường chất lượng cao… Để đạt mục tiêu này, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ gắn kết chặt chẽ cơ sở GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDNN.
TPHCM và các tỉnh, thành cần tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để thu hút các nguồn lực xã hội phát triển GDNN tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế – xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương. Đồng thời, phải có lộ trình cụ thể khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực GDNN, trong đó bố trí quỹ đất được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của Luật Quy hoạch, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong việc đầu tư phát triển cơ sở GDNN.
QUANG HUY