Ngày 27/12, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 5, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, thời gian qua mục tiêu xây dựng xã hội học tập đã được triển khai cụ thể với nhiều hoạt động. Nổi bật là thông qua thực hiện 2 Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị ” và “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030” đạt kết quả thiết thực. Năm 2024, Quỹ Khuyến học Việt Nam có tổng thu gần 4,55 tỷ trong khi quỹ đã chi gần 5,3 tỷ đồng, tiếp tục, nhận đỡ đầu cho 20 học sinh mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19 tại TPHCM.
Về phía Hội Khuyến học các địa phương, mới chỉ có một số địa phương có quỹ khuyến học cấp tỉnh được thành lập với tổng số dư của quỹ khuyến học, khuyến tài cả nước đạt số dư trên 4.000 tỷ đồng. Ngoài quỹ Khuyến học Trung ương Hội và quỹ khuyến học các địa phương, nhiều trường học, gia đình, dòng họ, chi hội, tổ dân phố, nhất là quỹ khuyến học các dòng họ phát triển nhanh; nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ tích cực các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường giúp cho hàng ngàn em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường học tập.
Là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam đã tập hợp phản ánh, kiến nghị của nhân dân, hội khuyến học, hội viên hội khuyến học các cấp với MTTQ để tập hợp gửi tới Quốc hội. Năm nay Hội Khuyến học Việt Nam và hội khuyến học các cấp, các nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ 1.250 triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra ở 10 tỉnh phía Bắc và tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh những thành tích đạt được, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác khuyến học, phong trào học tập suốt đời của người lớn. Công tác xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường đại học, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang tỷ lệ còn thấp.
Đặc biệt, đến nay, kinh phí cấp cho việc triển khai 2 Chương trình theo Quyết định 387, 677 của Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương bố trí nhưng chưa đồng đều, nơi có, nơi không… Ở một số địa phương kinh phí chưa cấp đủ cho 3 cấp hội.
Ghi nhận từ công tác khuyến học tại các địa phương hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra một trong những khó khăn nổi bật đó là tình trạng thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện cho hoạt động thường xuyên của cán bộ, hội khuyến học. Các địa phương kiến nghị, chính quyền các tỉnh, thành cần ưu tiên kinh phí cấp cho các hoạt động khuyến học, đẩy mạnh phong trào học tập ở mọi tầng lớp nhân dân bằng cách đưa tiêu chí học tập vào xét tiêu chuẩn nông thôn mới, gia đình kiểu mẫu, gia đình văn hóa..
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ngày 26/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh cần làm tốt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khuyến học trong năm 2025. Hội cần chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, có cơ hội học tập và phát triển năng lực bản thân; tiếp tục kêu gọi, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp nguồn lực cho phong trào khuyến học, khuyến tài. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của Hội với tinh thần tạo mọi điều kiện để Hội ngày càng lớn mạnh, đưa công tác khuyến học đạt nhiều thành tựu hơn nữa.
Nguồn: https://daidoanket.vn/cong-tac-khuyen-hoc-go-diem-nghen-de-hoat-dong-hieu-qua-10297367.html