Phóng viên: Xin ông cho biết về mức học phí thực hiện từ năm học mới sắp tới tại TP HCM?
– Ông HỒ TẤN MINH: Kỳ họp thứ 17, HĐND TP HCM khóa X vừa qua đã thông qua Nghị quyết quy định mức học phí và các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2024 – 2025 và các năm học tiếp theo trên địa bàn.\
Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại nghị quyết này sẽ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh (HS) tiểu học tư thục ở địa bàn chưa bảo đảm trường tiểu học công lập và HS tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.
Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 – 2025 (được hưởng từ ngày 1-9-2024). HS THCS được miễn học phí từ năm học 2025 – 2026 (được hưởng từ ngày 1-9-2025). Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 50% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành. Mức học phí ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên do đơn vị xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND TP HCM để đề nghị HĐND thành phố xem xét phê duyệt.
Cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng mức học phí tương đương mức của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp trên địa bàn.
Ông có thể nói rõ hơn về các khoản thu dịch vụ? Vì sao tiền ăn bán trú không được đề cập trong nghị quyết dù thời gian qua, phụ huynh đề xuất tăng mức thu này?
– Nghị quyết của HĐND TP HCM vừa thông qua cũng quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục – thay thế Nghị quyết 04 năm 2023. Theo đó, nghị quyết mới có một số nội dung khác so với Nghị quyết 04 của năm học trước, như điều chỉnh tên các khoản thu bắt đầu bằng “dịch vụ…” để phù hợp quy định, thẩm quyền ban hành; điều chỉnh danh mục từ 26 khoản thu còn 9 khoản thu…
Các khoản thu áp dụng cho năm học 2024 – 2025 như sau: Bổ sung nội dung chi phí thuê máy lạnh vào khoản thu “dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh”, điều chỉnh tăng mức thu tối đa từ 50.000 đồng lên 110.000 đồng/HS/tháng. Cụ thể, mức thu tối đa 50.000 đồng/HS/tháng đối với những lớp đã được trang bị sẵn máy lạnh và tối đa 110.000 đồng/HS/tháng đối với những lớp có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có máy lạnh, phải đi thuê. Giá thuê tham khảo 1.320.000 đồng/máy/tháng, 1 lớp trang bị 2 máy, 45 HS/lớp, tạm tính 60.000 đồng/HS/tháng. Ngoài ra, điều chỉnh “tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè” thành “dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ” (gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không kể các ngày lễ, Tết, không bao gồm tiền ăn), với mức thu 128.000 đồng/HS/ngày.
Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, đối với các khoản thu suất ăn trưa bán trú và các khoản thu khác không được quy định tại Nghị quyết của HĐND TP HCM, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của HS để xây dựng dự toán thu – chi cho từng nội dung. Dự toán này sẽ làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể, bảo đảm nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học và tỉ lệ tăng mức thu (nếu có) không quá 15% so với năm học 2023 – 2024. Các khoản thu, mức thu phải được cơ sở giáo dục thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh; có ý kiến của UBND quận, huyện và Sở GD-ĐT theo phân cấp quản lý.
Mức học phí giữ ổn định nhiều năm, thực tế còn giảm mạnh vì HS được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ khác. Sở GD-ĐT TP HCM đánh giá thế nào về tác động của chính sách này?
– Việc TP HCM quy định mức học phí như trên mang lại hiệu quả tích cực. Đó là cha mẹ HS và HS không phải chịu ảnh hưởng gánh nặng về việc tăng học phí trong trường hợp ngân sách thành phố không còn hỗ trợ; bảo đảm không HS nào vì điều kiện khó khăn mà không thể đến trường.
Đối với việc ban hành quy định về các khoản thu dịch vụ, đây là cơ sở để các trường triển khai thực hiện những khoản thu bảo đảm công khai, minh bạch. Việc tổ chức thực hiện các khoản thu trong nhà trường được thống nhất; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý. Cha mẹ HS và xã hội cũng có cơ sở đối chiếu, tham gia giám sát việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường cả về nội dung lẫn chi phí, tránh tình trạng lạm thu và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy vậy, việc điều chỉnh mức học phí năm học 2024 – 2025 về lại mức học phí đã ban hành trong năm học 2021 – 2022 sẽ làm giảm nguồn thu của các trường, ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên mà các đơn vị đã xây dựng và được giao quyền giai đoạn 2023 – 2025. Việc này có thể dẫn đến phải điều chỉnh phương án tự chủ tài chính, phân loại tự chủ và mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các đơn vị do nguồn thu bị giảm; kéo theo tiết kiệm cuối năm và thu nhập tăng thêm từ tiết kiệm cuối năm giảm, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị, chất lượng các hoạt động giáo dục và thu nhập của người lao động.
Không tăng học phí, vậy các khoản “phụ phí”, thu dịch vụ sẽ được kiểm soát thế nào để tránh lạm thu, thưa ông?
– HĐND TP HCM ban hành Nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục là nhằm tạo hành lang pháp lý, thống nhất mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để nhà trường triển khai thực hiện các khoản thu đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể vẫn còn một số đơn vị chưa nghiên cứu kỹ, chưa thực hiện đúng chủ trương, quy định.
Vào đầu năm học, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và Sở GD-ĐT TP HCM sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý thu chi; công tác quản lý cơ sở vật chất nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh tình trạng “lạm thu” của các cơ sở giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc công khai, minh bạch để cha mẹ HS và người dân tham gia giám sát cùng các cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm mức thu học phí phải tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp cho HS.
Mức học phí chia thành 2 nhóm đối tượng
Nhóm 1: HS tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2: HS tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức học phí từ năm học 2024 – 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Nguồn: https://nld.com.vn/giu-on-dinh-hoc-phi-nam-hoc-moi-196240804215131572.htm