Hà My, một trong những giọng soprano trẻ đầy nội lực của Việt Nam, đang từng bước khẳng định vị thế trong làng nhạc cổ điển. Với chất giọng được giới chuyên môn đánh giá là “quý hiếm” và nội lực vượt trội, cô đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong nghệ thuật opera – thể loại âm nhạc vẫn còn nhiều thử thách tại Việt Nam. Concert “Insieme”, buổi hòa nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của Hà My, là minh chứng cho niềm đam mê và sự quyết tâm không ngừng nghỉ của nữ ca sĩ trẻ trên hành trình chinh phục đỉnh cao nghệ thuật.
Giọng hát hiếm có và triển vọng
Không như nhiều nghệ sĩ opera được định hướng từ sớm, Hà My khởi đầu con đường âm nhạc với niềm yêu thích dành cho nhạc nhẹ và nhạc dân gian. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cô quyết định học tiếp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi cô lần đầu tiên tiếp xúc với nhạc cổ điển.
Khi nghe các đàn chị tập luyện những bài hát thính phòng và opera, Hà My nhận ra sự khác biệt kỳ diệu trong âm thanh vang dội và cảm xúc sâu sắc của dòng nhạc này. Từ sự tò mò, cô dần chuyển sang yêu thích và quyết định theo đuổi opera – dù biết rằng đây là con đường khó khăn, cả về nghệ thuật lẫn cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam.
Những năm đầu tại Học viện, Hà My gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi từ cách hát nhạc nhẹ sang kỹ thuật thanh nhạc cổ điển. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô và nỗ lực cá nhân, cô dần tìm được âm thanh đúng và phong cách riêng. Thành quả đầu tiên đến khi Hà My tốt nghiệp thủ khoa với điểm tuyệt đối, trở thành giọng ca nổi bật trong lứa nghệ sĩ trẻ.
Hành trình nghệ thuật của Hà My không chỉ được công nhận qua sự phát triển trong kỹ thuật biểu diễn mà còn được khẳng định qua hàng loạt giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Năm 2023, Hà My giành giải Nhất bảng B tại Cuộc thi Hát Thính phòng – Nhạc kịch Toàn quốc, cuộc thi được tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là cuộc thi danh giá nhất trong nước dành cho các nghệ sĩ nhạc cổ điển.
Cô cũng đạt giải Nhì tại cuộc thi âm nhạc Quốc tế Royal Mass năm 2023, vượt qua nhiều đối thủ quốc tế để ghi tên mình vào bảng vàng của một sân chơi lớn. Trước đó, vào năm 2022, Hà My đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Kyushu Music Competition ở Nhật Bản, nơi cô chứng minh tài năng vượt trội của mình trên đấu trường quốc tế.
Điểm đặc biệt làm nên tên tuổi của Hà My chính là giọng hát khỏe với âm thanh mạnh mẽ, vang xa, có khả năng lấp đầy không gian biểu diễn mà không cần sự hỗ trợ của micro. Đây là yêu cầu kỹ thuật quan trọng trong opera, đặc biệt khi biểu diễn tại các nhà hát lớn hoặc sân khấu chuyên biệt.
Tuy nhiên, giọng hát to, dày và vang như vậy không chỉ là món quà từ tạo hóa mà còn đòi hỏi quá trình luyện tập gian khổ để kiểm soát, uốn nắn. Hà My chia sẻ: “Âm thanh khỏe không chỉ là sức lực mà là kỹ thuật. Điều này cần rất nhiều năm luyện tập để tạo ra âm thanh đúng mà vẫn giữ được sự tinh tế trong cảm xúc”.
Hà My được giới chuyên môn đánh giá là giọng hát quý hiếm với âm thanh to, dày và giàu nội lực, tiếp nối các bậc tiền bối như NSƯT Hà Phạm Thăng Long.
NSND Quang Thọ, người thầy của rất nhiều nghệ sĩ khẳng định rằng Hà My đã vượt qua những khó khăn ban đầu để đạt được thành công nhờ sự chăm chỉ và niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc cổ điển. NSND Quốc Hưng, người hướng dẫn trực tiếp Hà My trong chương trình cao học, cũng chia sẻ rằng giọng hát của cô hiếm có và triển vọng. Theo ông, để làm chủ giọng hát to khỏe, đòi hỏi không chỉ tố chất mà còn là quá trình luyện tập gian khổ và khổ luyện.
“Insieme”: Dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp opera của Hà My
Concert opera “Insieme”, được tổ chức tại Phòng Hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào tối 29/11 tới đây, là buổi biểu diễn solo đầu tiên trong sự nghiệp của Hà My. Không chỉ là dịp để cô giới thiệu giọng ca của mình đến công chúng, “Insieme” còn mang ý nghĩa tôn vinh Giacomo Puccini – nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông.
“Insieme”, có nghĩa là “cùng nhau” trong tiếng Ý, được lấy cảm hứng từ sự đồng hành giữa Hà My và những người bạn đồng nghiệp như tenor Đức Tùng và nghệ sĩ piano Công Minh. Tựa đề này cũng tượng trưng cho sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả trong hành trình khám phá vẻ đẹp của nhạc cổ điển.
Hà My cùng Đức Tùng đã lựa chọn các tác phẩm nổi bật của Puccini, như “Nessun dorma”, “O mio babbino caro”, cùng những bản aria ít được biểu diễn của các nhà soạn nhạc Verismo như Giordano hay Catalani. Sự lựa chọn này không chỉ thể hiện sự trân trọng dành cho các tác phẩm kinh điển mà còn là thử thách lớn với hai nghệ sĩ trẻ, bởi tính phức tạp và yêu cầu cao trong việc thể hiện cảm xúc của dòng nhạc Verismo.
“Nhạc kịch thính phòng, nghệ thuật opera rất khó đòi hỏi nhiều khả năng, kỹ năng và Hà My đáp ứng được những điều đó. Những tác phẩm Hà My biểu diễn trong concert lần này đều là những tác phẩm khó, trong đó có 1 số tác phẩm rất ít nghệ sĩ có thể thể hiện được. Hiện nay đã có nhiều tín hiệu vui về sự phát triển của nghệ thuật opera tại Việt Nam và tôi hy vọng thông qua concert lần này của Hà My dòng nhạc này sẽ được giới trẻ đón nhận nhiều hơn”, NSND Quốc Hưng nói.
Tại Việt Nam, nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng vẫn là loại hình nghệ thuật kén khán giả. Để tiếp cận công chúng, ê-kíp của Hà My đã áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo trong concert “Insieme”. Toàn bộ tác phẩm được trình chiếu phụ đề tiếng Việt để khán giả hiểu rõ nội dung, kèm theo các hình ảnh phông nền 3D mapping nhằm tăng hiệu ứng thị giác.
Hà My chia sẻ: “Chúng tôi muốn một khán giả bình thường, thậm chí lần đầu nghe opera, cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Không cần hiểu sâu, chỉ cần họ thả lỏng và đón nhận âm thanh cùng cảm xúc”.
Ngoài ra, chương trình còn lồng ghép một số yếu tố sân khấu như đạo cụ, trang phục mô phỏng nhân vật để giúp khán giả hình dung rõ hơn bối cảnh câu chuyện. Tất cả được thực hiện một cách tối giản nhưng vẫn đủ để tạo nên sự hấp dẫn và gần gũi.
Con đường theo đuổi opera tại Việt Nam không dễ dàng. Hà My từng nhiều lần muốn từ bỏ vì những khó khăn về tài chính, cơ hội biểu diễn hạn chế, và áp lực từ việc luyện tập không ngừng. Cô tâm sự: “Để có được âm thanh đúng trong cổ điển, cần ít nhất 10 năm học và luyện tập. Nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản, nhưng tình yêu dành cho âm nhạc đã kéo tôi trở lại”.
Cùng với những thách thức của nghệ sĩ biểu diễn, việc tổ chức một concert opera cũng đầy khó khăn. Hà My và ê-kíp phải nỗ lực rất nhiều để thuê không gian biểu diễn đạt tiêu chuẩn, tìm kiếm khán giả, và đảm bảo chất lượng nghệ thuật cao nhất.
Trong những năm gần đây, nhạc cổ điển đang dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn tại Việt Nam, nhờ sự đầu tư vào các buổi hòa nhạc quy mô lớn và sự góp mặt của các nghệ sĩ quốc tế. Tuy nhiên, để dòng nhạc này thực sự phát triển, cần có thêm những nghệ sĩ trẻ tài năng như Hà My – những người dám cống hiến và đổi mới.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/giong-ca-soprano-ha-my-va-concert-opera-ket-noi-khan-gia-voi-nhac-co-dien-post1137819.vov