Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu bia, các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người lái xe.
Cần có quy định rõ ràng hơn ra sao?
Có nên cấm hoàn toàn?
Anh T.S. (29 tuổi, TP.HCM) cho biết đã từng chứng kiến nhiều người lái xe có sử dụng rượu, bia không làm chủ được tay lái dẫn đến tai nạn giao thông đáng tiếc. Không chỉ riêng người điều khiển phương tiện giao thông bị ảnh hưởng mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Tối uống rượu bia, sáng hôm sau lái xe bị thổi vẫn dính nồng độ cồn: Cần giới hạn ra sao?
“Có những gia đình cha mẹ phải bỏ lại con cái khi còn quá trẻ chỉ vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Việc xử phạt nghiêm những trường hợp người lái xe có sử dụng rượu, bia là đúng bởi tính mạng con người là trên hết.
Tuy nhiên, cần phải có quy định rõ ràng về cồn tự nhiên khi không sử dụng rượu, bia như ăn những loại trái cây chín có lên men. Cần có giới hạn nồng độ cồn vì ví dụ uống một hai chai bia thì vẫn có thể tỉnh táo. Hoặc trường hợp tối có sử dụng rượu bia nhưng sáng hôm sau mới đi, khi thổi nồng độ cồn vẫn dương tính… Vì vậy cần có quy định rõ ràng hơn”, anh S. bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng quy định hiện nay nhằm thay đổi thói quen cũ của người Việt là dùng rượu, bia rồi vẫn lái xe. Từ khi quy định có hiệu lực, được thay thành thói quen “đã dùng rượu, bia là không lái xe”.
Tuy nhiên, điều này chỉ nên mang tính chất ở giai đoạn quá độ chuyển đổi, sau đó sẽ phải chuyển sang việc uống quá mức cho phép thì mới bị phạt.
Khó nhưng sẽ có cách
Bác sĩ Hoàng cho rằng khi xác định ngưỡng cho phép ở mức thấp, vượt quá ngưỡng mới xử phạt tài xế lái xe khi uống rượu bia cần xây dựng tiêu chuẩn tham khảo quy định của các nước khác trên thế giới.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).
Nhiều người dân cho rằng cần phải cấm tuyệt đối việc lái xe sau khi uống rượu, bia. Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn bởi sau khi uống rượu đến ngày hôm sau vẫn có nồng độ cồn, thậm chí không ý thức được rằng mình có nồng độ cồn còn sót lại sau cuộc nhậu ngày hôm trước.
Bác sĩ Hoàng cho hay: “Thời gian hết nồng độ cồn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như liều lượng, loại bia rượu, nồng độ bia rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu, uống lúc đói hay lúc no… Chỉ có một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm 1-2 giờ nữa. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Các nước quy định nồng độ cồn ra sao?
TS Phạm Hùng Vân – nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM – cho biết thêm Việt Nam nằm trong nhóm có thu nhập thấp nhưng lại là quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ rượu bia thuộc các nước đứng đầu. Sử dụng rượu bia gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng liên quan đến trật tự xã hội, đáng nói nhất là tai nạn giao thông.
Đa số các vụ tai nạn giao thông đều có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Do vậy việc xử phạt nghiêm mang tính răn đe là hết sức cần thiết. Hiện tại chúng ta vẫn nên duy trì hình thức xử phạt nồng độ cồn như hiện nay để giảm bớt tai nạn giao thông, mang tính răn đe. Sau đó tùy tình hình chúng ta sẽ giới hạn nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Theo TS Vân, tại nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng giới hạn nồng độ cồn khi lái xe. Người dân rất hạn chế và tuân thủ kỹ càng uống rượu bia thì không tham gia giao thông. Các hình thức xử phạt sử dụng rượu, bia khi lái xe rất khắt khe và nghiêm minh. Có thể lấy ví dụ như các bác sĩ tham gia giao thông vượt quá mức giới hạn nồng độ cồn cho phép có thể bị tước chứng chỉ hành nghề.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế ủng hộ việc xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp có nồng độ cồn khi lái xe. Ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Bộ Y tế đang tiến hành thống kê so sánh các số liệu này và sắp tới sẽ có con số cụ thể số vụ tai nạn giao thông giảm ra sao.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về việc xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng cần nghiên cứu xử lý nghiêm. Việt Nam cần tham khảo thêm quy định của các nước trên thế giới để đưa ra quy định sao cho hài hòa, phù hợp với bối cảnh thực tế.