Sau khi các đồng minh phương Tây của Ukraine giới hạn giá dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng, biện pháp trừng phạt này phần lớn vẫn mang tính biểu tượng. Hầu hết dầu thô của Moscow – nguồn kiếm tiền chính của nước này – đều có giá thấp hơn thế.
Mẫu dầu thô tại mỏ dầu Yarakta, vùng Irkutsk, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Nhưng mức giá trần đã được áp dụng trong trường hợp giá dầu tăng và sẽ khiến Điện Kremlin không có thêm lợi nhuận. Thời điểm đó đã đến và đặt giới hạn giá trần dầu Nga vào thử thách nghiêm trọng nhất.
Nga phá vỡ giới hạn giá dầu?
Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã ra quyết định áp mức trần với giá dầu Nga nhằm hạn chế nguồn lực tài chính của Moscow. Biện pháp này cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho nguồn dầu Nga được bán với giá trên 60 USD/thùng.
Vì các công ty bảo hiểm phương Tây đảm trách khoảng 90% khối lượng vận chuyển hàng hóa trên thế giới nên chính sách này được kỳ vọng sẽ thành công.
Tuy nhiên, dầu tiêu chuẩn của Nga – thường được xuất khẩu bởi các tàu phương Tây buộc phải tuân theo lệnh trừng phạt – đã giao dịch trên mức giá trần kể từ giữa tháng 7/2023, bơm hàng trăm triệu USD mỗi ngày vào Điện Kremlin.
Ông Vladimir Furgalsky, quan chức Bộ Năng lượng Nga thông tin, nước này bán hầu hết sản lượng dầu với giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt.
“Ngay cả những quốc gia không thân thiện cũng phải nói rằng, mức giá trần với dầu Nga đã không có tác dụng. Hơn 99% lượng dầu được giao dịch cao hơn mức trần”, ông nhấn mạnh.
Xung đột Israel-Hamas đã đẩy giá dầu toàn cầu lên cao. Thời điểm hiện tại, xuất hiện bằng chứng cho thấy, một số thương nhân đang trốn tránh mức trần.
Số liệu từ nhóm nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu, các lệnh trừng phạt dầu mỏ đã khiến Nga thiệt hại 100 tỷ USD – tính đến tháng 8/2023.
Nhưng theo các nhà kinh tế, phần lớn thiệt hại này bắt nguồn từ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga của châu Âu chứ không phải biện pháp giới hạn giá dầu.
Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho hay, các tàu do các quốc gia phương Tây sở hữu hoặc cung cấp bảo hiểm kiên trì vận chuyển dầu của Nga tại tất cả các cảng ở nước này trong những tuần gần đây, khi giá tăng vượt mức trần.
“Những sự việc này là bằng chứng thuyết phục về việc vi phạm chính sách giới hạn giá”, CREA viết.
Thu nhập từ dầu mỏ của Nga trong tháng 9 đã tăng lên khoảng 200 triệu Euro (211 triệu USD) mỗi ngày.
Theo một phân tích về hồ sơ vận chuyển và bảo hiểm của Financial Times, gần 3/4 tổng lượng dầu thô qua đường biển của Nga được vận chuyển mà không cần bảo hiểm từ phương Tây trong tháng 8. Con số này tăng từ mức 50% hồi đầu năm nay.
Sự gia tăng này cho thấy, Moscow đang dễ dàng né mức giá trần, cho phép nước này bán nhiều dầu hơn với mức giá gần với giá thị trường quốc tế hơn.
Nga đã xây dựng “hạm đội đen” gồm các tàu chở dầu có thể hoạt động mà không cần bảo hiểm của phương Tây hoặc các dịch vụ khác. Điều này cho phép Moscow vẫn bán dầu với giá cao khi thị trường toàn cầu thắt chặt.
Bên cạnh đó, giới quan sát nhận thấy, phương Tây cung cấp cho Moscow một kẽ hở để vượt qua giới hạn dầu. Cụ thể, giá dầu ở mức 60 USD/thùng được ấn định khi mặt hàng này rời khỏi Nga, chứ không phải mức giá mà người mua phải trả. Dầu có thể được mua bán nhiều lần bởi các công ty thương mại liên kết với Nga, có trụ sở ở các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại nhóm phân tích dữ liệu Kpler nhấn mạnh: “Biện pháp giới hạn giá dầu rất dễ bị phá vỡ”.
Thu nhập từ dầu mỏ là trụ cột của nền kinh tế Nga, giúp nước này tránh lạm phát ngày càng trầm trọng và ổn định nội tệ. (Nguồn: Reuters) |
Kiên định “tẩy chay” dầu Nga
Gần đây, việc thực thi các biện pháp trừng phạt được phương Tây chú ý hơn. Bộ Tài chính Mỹ đã thông qua việc ký lệnh trừng phạt đối với 3 công ty vận tải biển có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và 3 tàu vận tải thuộc sở hữu những doanh nghiệp này.
Ba công ty vận tải lớn của Hy Lạp chính thức ngừng vận chuyển dầu Nga để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện đang được áp dụng đối với một số công ty vận chuyển chở dầu Moscow. Cả 3 công ty đều là những nhà vận chuyển tích cực dầu và nhiên liệu của Nga nhưng dừng hẳn hoạt động chở dầu Nga bắt đầu từ tháng 11. Quan chức Anh cũng đang điều tra các hành vi vi phạm tương tự.
Những người ủng hộ lệnh trừng phạt cho rằng, cần phải tiến xa hơn.
Benjamin Hilgenstock, nhà kinh tế cấp cao tại Trường Kinh tế Kyiv, cơ quan tư vấn chính phủ Ukraine cho biết, việc giảm lợi nhuận từ dầu mỏ “là điều ảnh hưởng nặng nề nhất đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Nga”.
Thu nhập từ dầu mỏ là trụ cột của nền kinh tế Nga, giúp nước này tránh lạm phát ngày càng trầm trọng và ổn định nội tệ. Khả năng Moscow bán dầu ra thế giới càng nhiều càng thể hiện rằng đất nước vượt qua được các biện pháp trừng phạt tốt hơn dự kiến.
Về phía Mỹ, các quan chức này chỉ rõ những tổn thất mà biện pháp giới hạn giá dầu đã gây ra cho Moscow khi kết hợp với lệnh cấm của châu Âu đối với dầu mỏ của Nga.
Các quan chức Mỹ khẳng định: “Cuộc “tẩy chay” nói trên đã buộc Moscow phải gửi dầu trên các chuyến đi hàng tháng tới châu Á, thay vì các chuyến đi dài ngày tới châu Âu. Về cơ bản, quy trình này khiến chi phí vận chuyển tăng gấp đôi.
Kết hợp với lệnh cấm dầu của EU, mức giá trần đã làm tăng thêm chi phí 35 USD/thùng cho các nhà xuất khẩu Nga”.
Một trong những thương nhân tham gia vận chuyển dầu của Nga cũng nhận thấy, hạm đội đen tối có thể không đủ để vận chuyển toàn bộ dầu của Nga.
Theo thương nhân này, trên thực tế, dầu Nga phải di chuyển 8-10 tuần để đến tay khách hàng ở châu Á, trái ngược với thời gian chỉ hai tuần trước lệnh trừng phạt khi dầu được bán ở châu Âu. Điều đó có nghĩa là cần nhiều tàu chở dầu hơn cho hoạt động thương mại.