Đến với sông Hương tại Thừa Thiên Huế, ngoài đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông, du khách còn thong thả tản bộ trên cầu gỗ lim ngắm thành phố Huế về đêm, ngắm cầu Tràng Tiền in bóng trên dòng sông thơ mộng… Những buổi triển lãm tranh, biểu diễn âm nhạc, thời trang cùng các hoạt động vui chơi giải trí sôi động ở các sân khấu văn hóa cộng đồng, công viên hai bên bờ nam và bắc sông Hương luôn hấp dẫn, thu hút đông người dân và du khách tham gia.
Có dịp đi du lịch Huế, anh Nguyễn Thanh Tùng (Thái Nguyên) chia sẻ cảm nhận: “Tham quan du lịch Huế, lần đầu tiên tham dự chương trình trình diễn áo dài trên sông Hương, tôi thấy rất vui. Đây là chương trình rất hấp dẫn, đem lại nhiều niềm vui cho mọi người, đặc biệt thu hút nhiều du khách hơn”.
Sự thay đổi cảnh quan hai bên bờ sông Hương những năm gần đây cũng mang lại sự hài lòng cho người dân thành phố Huế. Nhiều công viên được chỉnh trang, nâng cấp. Hệ thống cây xanh, hoa kiểng được trồng mới. Hệ thống điện chiếu sáng tạo cảm giác lung linh hai bên bờ sông Hương khi về đêm…
Chị Lê Thị Tường Vy (phường Đông Ba, thành phố Huế) cho rằng: “Những năm gần đây, thành phố Huế chú trọng hơn đến việc chỉnh trang khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hương. Tôi thấy đây là điều rất tuyệt vời. Mọi người có thể đi dạo, tập thể dục vào buổi sáng hay ngắm cảnh sông Hương về đêm… Tất cả tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị với người dân và du khách”.
Vài năm lại đây, các hoạt động Festival Huế không còn bị “đóng khung” trong khu vực kinh thành Huế mà ngày càng mở rộng về mặt không gian, xuyên suốt trong năm. Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch mang tính cộng đồng tại các sân khấu, công viên, di tích hai bên bờ sông Hương.
“Các sân khấu festival gồm có hai phần IN và OFF. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu chú trọng phần OFF với các hoạt động mở để người dân, du khách tiếp cận festival tần suất nhiều hơn. Các chương trình festival hướng đến cộng đồng nhiều hơn. Năm nay, toàn bộ các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước đều được đưa ra cộng đồng để người dân và du khách tiếp cận. Hai sân khấu cộng đồng ở công viên 3/2 và sân khấu công viên Bia Quốc Học là các sân chơi của các chương trình âm nhạc, nghệ thuật quốc tế và Việt Nam”, ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết.
Sông Hương được xem là “xương sống” của đô thị Huế. Sau hơn 3 năm triển khai đồ án quy hoạch chi tiết, hai bờ sông Hương có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng bảo tồn, phát triển hài hòa về không gian, kiến trúc cảnh quan. Các dự án chỉnh trang đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên, các tuyến đường đi bộ dọc theo đôi bờ nam, bắc sông Hương… đều tuân theo yếu tố thuận theo tự nhiên của sông Hương, núi Ngự. Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng di sản văn hóa, di sản thiên nhiên.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng sông Hương đóng vai trò trục cảnh quan quan trọng trong tương lai, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Quy hoạch này thể hiện rất tốt vai trò, chức năng của thành phố Huế. Trong đó, nhấn mạnh trục chính, chiến lược trục cho việc phát triển Huế theo một đô thị toàn thể trên nền tảng di sản và cố đô. Định hình phát triển của Huế trong tương lai với kiến trúc, cấu trúc phát triển không gian cũng phải nương theo sông, núi… Phát triển Huế trên nền tảng đó để thiết kế mạch phát triển, cấu trúc vật thể, cấu trúc không gian tương xứng với chức năng, vai trò, tầm của đô thị trực thuộc Trung ương”.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/gin-giu-song-huong-tro-thanh-diem-nhan-thu-hut-du-khach-post1104042.vov