Tại hội nghị, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 được nêu ra gồm: xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới; thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của đình tại TP.HCM”; tiếp tục công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng, tổ chức các ngày lễ lớn trong năm…
Gần 40 tên đường sai hoặc vô nghĩa
Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt cho biết TP hiện có 312 con đường trùng tên, gần 40 tên đường sai hoặc vô nghĩa nên cần phải điều chỉnh lại như đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức) đúng ra là Kha Vạng Cân, Trương Quốc Dung đúng là Trương Quốc Dụng, Nguyễn Thiệp phải sửa lại là Nguyễn Thiếp… kèm theo những tên đường rất phản cảm như Kênh nước đen, Ấp chiến lược…
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, nêu ý kiến: “Cần có sự đồng thuận của người dân, cơ quan Nhà nước trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích, từ đó đưa ra kế hoạch trùng tu, bảo tồn. Chuyện này rất khó vì nhiều công trình cần bảo tồn ở vị trí đất đẹp. Các bảo tàng của TP phải tạo sự khác biệt hơn nữa trong cách trưng bày, có câu chuyện thực tiễn kèm theo hiện vật cũng như công tác số hóa. Kết nối hệ thống các bảo tàng, thêm vé combo tham quan hệ thống bảo tàng để thu hút khách hơn, đặc biệt là sinh viên, học sinh. TP.HCM sẽ có thêm 5 đô thị vệ tinh. Sở Văn hóa – Thể thao cần lên danh sách những công trình cần bảo tồn, duy tu vì khi đô thị hóa, các vùng ven lên giá đất rất nhanh nên nguy cơ các di tích sẽ biến mất. TP còn rất nhiều di tích của các nhân vật lịch sử từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mong lãnh đạo Sở quan tâm hơn đến những di tích này. Nếu những nhân vật này chưa được vào danh sách chính thống thì sự quên lãng sẽ đến rất nhanh”.
Thúc đẩy việc cưỡng chế vi phạm ở nhà cổ Vương Hồng Sển
Mặt khác, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND Q.Bình Thạnh liên quan đến việc cưỡng chế vi phạm ở nhà cổ Vương Hồng Sển, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình xây dựng trái quy định của luật Di sản văn hóa, xâm hại nghiêm trọng cảnh quan di tích nhà cổ Vương Hồng Sển (đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.Bình Thạnh, được xếp hạng di tích cấp TP từ năm 2003).
Về việc đến nay vẫn chưa thể thực hiện lệnh cưỡng chế, ông Phạm Văn Hoa, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Q.Bình Thạnh, lý giải: “Hơn 20 năm từ khi công nhận di tích, những người đồng thừa kế ngôi nhà cổ liên tục khiếu kiện. Vừa rồi họ đồng ý rút đơn. Tuy nhiên những người đồng thừa kế có cho một số hộ thuê ở và xây cất trái phép. Năm 2015, TP lập biên bản xây dựng trái phép. Ngày 23.8.2023 và 12.9.2024, UBND Q.Bình Thạnh ban hành 2 quyết định, giao UBND P.14 tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, còn vướng một số vấn đề pháp lý. Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ lên đến 285 triệu đồng, theo quy định pháp luật phải đấu thầu. Thời gian đấu thầu là 45 ngày. Thời điểm cuối năm 2024, Q.Bình Thạnh chuẩn bị sáp nhập toàn bộ phường 14 vào phường 24 nên chưa thể cưỡng chế. Từ đầu năm đến nay, ban cưỡng chế chờ quận cấp kinh phí và tiến hành đấu thầu phí tháo dỡ. Hiện quận đang ráo riết tìm giải pháp, vận động các hộ ở nhà cụ Sển di dời. Họ đồng tình nhưng yêu cầu qua tết sẽ thực hiện và đề nghị bà Hương, cháu cụ Sển, hoàn tiền lại cho họ khi ra đi. Đây là quan hệ dân sự giữa các bên, riêng việc cưỡng chế vẫn phải tiến hành. Chậm nhất là cuối tháng 3.2025 sẽ tiến hành cưỡng chế xây dựng trái phép, sau đó mới đến việc di dời các hộ sinh sống tại đó”.
Về di tích Lò gốm Hưng Lợi, đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin Q.8 nêu ý kiến: “Lò gốm Hưng Lợi là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Đây là khu đất trống có tường gạch bao phủ. Do trước đây khu vực này không được tường rào bảo vệ nên người dân vào trồng rau và cây kiểng. Sau đó, quận có đề xuất và Sở Văn hóa – Thể thao ký Công văn 5193 ngày 12.10.2023 thống nhất việc tu sửa di tích Lò gốm Hưng Lợi. Đến nay, di tích được trang bị hệ thống camera, đèn chiếu sáng, lắp đặt biển báo di tích. Phòng Văn hóa – Thông tin tham mưu UBND Q.8 về công tác quản lý, giao UBND P.16 thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia bảo vệ di tích, tăng cường kiểm tra ngăn chặn hành động xâm hại di tích”.
TS Nguyễn Thị Hậu cho biết di tích Lò gốm Hưng Lợi sẽ được phục dựng một góc để trưng bày, còn lại số hóa để người tham quan hiểu được quy trình sản xuất gốm từ cuối thế kỷ 19.
Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt xác nhận: “Hiện TP.HCM có 193 di tích; trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 58 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích khảo cổ học là Giồng Cá Vồ Cần Giờ và Lò gốm Hưng Lợi, còn lại 56 di tích khác thuộc di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và các loại hình khác. Vì vậy, di tích Lò gốm Hưng Lợi rất đặc biệt”.
Nếu chủ quan, xem thường, chỉ chú tâm phát triển đô thị đi kèm kinh tế mà không bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thì chúng ta mất đi một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc. Cái nhìn của những người làm di sản không chỉ bảo tồn những giá trị cũ. Nếu kinh tế chậm phát triển, chúng ta có thể thay đổi được , nhưng di sản mất đi là mất rất nhiều. Từ đó chúng ta cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc phục hồi và phát huy giá trị di sản, tránh tình trạng 10 – 20 năm sau, thế hệ em, cháu chê trách, phê phán chúng ta. Giờ đây có cái gì thuộc về di sản văn hóa thì phải giữ gìn. Đó là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hiện nay.
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM)
Nguồn: https://thanhnien.vn/gin-giu-di-san-van-hoa-de-khong-ho-then-voi-the-he-sau-185250117230853111.htm