TPO – Chân đạp đá tai mèo, băng qua những con đường lởm chởm và sạt lở của xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, những sắc áo xanh tình nguyện cõng trên lưng đồ dùng học tập, sách vở để đến với điểm trường biên giới Hậu Cấu – nơi không nước sạch, không đủ giáo viên, không có sân chơi đầy đủ…
Rạng sáng một ngày cuối tháng 8/2023, anh Lộc Văn Huy, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) bị đánh thức bởi tiếng còi báo động từ Thủy điện Sông Chảy 6, đoạn qua thị trấn Cốc Pài và xã Thèn Phàng, khi cơn mưa lớn khiến lượng nước sông Chảy từ thượng nguồn đổ về đột ngột.
Nhìn màn mưa trắng xóa cùng với kinh nghiệm nhiều năm triển khai hoạt động tình nguyện tại cơ sở (3 năm làm bí thư đoàn xã biên giới) anh Huy đã thông tin để các bạn tình nguyện viên của Huyện Đoàn chuẩn bị sẵn sàng phối hợp với tình nguyện viên xã Chí Cà đi dọn dẹp và sửa đường. Bởi, chẳng riêng gì anh Huy, người Xín Mần ai cũng hiểu hễ trời mưa lớn là những con đường vào các xã đều xảy ra sạt lở, đất đá che lấp đường đi, hành trình “đi tìm con chữ” của các em học sinh đã khó lại càng thêm gian nan.
Khi cơn mưa vừa dứt hạt, khi những mái nhà trình tường, nhà sàn của người La Chí, Mông, Nùng,… vừa nhen khói bếp, bà con lại thấy anh Huy trong trang phục áo xanh của Đoàn dẫn đầu đoàn tình nguyện viên lỉnh kỉnh cuốc, xẻng, xà beng… đi dọc các con đường hay xảy ra sạt lở.
Rồi sau đó, bà con lại bắt gặp hình ảnh màu áo xanh tình nguyện hợp sức vần những tảng đá lớn chắn ngang đường, hay dùng cuốc, xẻng hất các ụ đất bị sạt từ núi xuống vừa hát: “Lên rừng xuống biển. Dưới cờ Đoàn quang vinh ta tiến vào kỷ nguyên mới. Không ngại gian khổ. Những dấu chân tình nguyện chinh phục những đỉnh cao. Những dấu chân tình nguyện đẹp như ước mơ xa…”. Mồ hôi nhễ nhại, bùn đất bám dính khắp người, nhưng giọng cười tiếng hát của các nam nữ thanh niên tình nguyện rộn khắp cung đường…
Và lần này, những lời ca tiếng hát của sức trẻ Xín Mần đang hướng về con đường dẫn lên điểm trường Hậu Cấu, xã Chí Cà, trao những yêu thương cho các em học sinh bước vào năm học mới 2023 – 2024.
Theo ông Vương Xuân Kinh (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chí Cà), Hậu Cấu nằm trên đỉnh núi cheo leo với độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là một trong 4 thôn, bản giáp biên xa xôi và khó khăn nhất của xã Chí Cà. Bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào người Mông với công việc chính là trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
“Từ trung tâm huyện Xín Mần đến điểm trường Hậu Cấu chưa có đường chính nên chỉ có thể chọn ngày nắng, đi xe máy men theo con đường tắt dài hơn 20km vốn là lối đi thu hoạch nông sản của bà con xã Chí Cà”, ông Kinh nói.
Cũng bởi giao thông quá khó khăn, nên năm 2014 khi tỉnh tài trợ ngân sách xây dựng điểm trường Hậu Cấu, không ít đơn vị thi công đã từ chối việc thực hiện vì không thể vận chuyển được vật liệu xây dựng. Huyện Đoàn Xín Mần đã kết hợp với UBND xã Chí Cà vận động bà con nhân dân cùng với các đoàn viên thanh niên trên địa bàn đi sửa đường, để xe chở vật liệu vào được đoạn nào hay đoạn ấy. Những đoạn xe không thể đi qua, các đoàn viên thanh niên và bà con sẽ cõng vật liệu lên điểm xây trường.
Nắm bắt được tình hình đường đi đến điểm trường Hậu Cấu, ngay tờ mờ sáng, anh Huy đã tập hợp hơn 10 đoàn viên cùng với 10 chiếc xe máy chuyên leo đồi núi để vừa chở người, vừa chở theo những thùng hàng chứa thảm xốp trải sàn, ủng, áo ấm, sách vở, nồi nấu cơm, bếp ga, bát,… đến điểm trường.
“Vì đường đi quá khó khăn và hiểm trở nên hầu như không có xe ô tô nào tiếp cận được Hậu Cấu, do đó các đoàn từ thiện đến Hậu Cấu rất hiếm nên thầy cô và các em học sinh ở đây rất thiệt thòi và thiếu thốn”, anh Lộc Văn Huy tâm sự.
Mặc dù quãng đường chỉ hơn 20km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ, đoàn tình nguyện mới đến được chân núi thôn Hậu Cấu do đường núi hiểm trở, nhiều đoạn dù đổ bê tông nhưng đã bị mưa lớn xói mòn hoàn toàn, đá hộc lởm chởm.
Không ít đoạn lên dốc, các đoàn viên nữ phải xuống xe nhờ các đoàn viên nam đẩy lên dốc giúp vì không đi nổi. Các thùng đựng quà thiện nguyện cũng không tránh khỏi tình trạng xây xát, rách góc và dính bùn đất vì nhiều xe không may bị ngã do đường quá trơn trượt và khó đi. Khó nhất là đoạn đường hơn 1km từ chân núi lên điểm trường Hậu Cấu với các rãnh sâu, đá tảng đá hộc gồ ghề nên nhiều xe máy yếu buộc phải bỏ lại để một số đoàn viên cõng đồ đạc lên điểm trường.
Do đã được thông báo trước, nên ngay khi thấy những màu áo xanh tình nguyện xuất hiện ở lưng chừng núi, các em học sinh của điểm trường Hậu Cấu đã chạy ùa xuống đón. Những đôi chân trần lấm lem chẳng sợ giẫm lên đá nhọn, bùn đất, chạy phăng phăng về phía đoàn tình nguyện với câu chào bằng tiếng phổ thông chưa sõi “Chúng cong (con) chào các cô chù (chú) ạ!” khiến cả đoàn vỡ òa vì xúc động. Bao nhiêu mệt mỏi, bấy nhiêu gian nan dường như tan theo tiếng chào và tiếng cười giòn tan của các em.
Thầy Hoàng Văn Tâm, giáo viên điểm trường Hậu Cấu cho biết, hiện điểm trường không có nước sạch, không có sân chơi, không đủ giáo viên giảng dạy, chỉ có 1 giáo viên mầm non phụ trách việc giảng dạy cũng như nấu ăn cho lớp 4 – 5 tuổi, còn lớp ghép 1 + 2 thì do một mình thầy Tâm phụ trách.
“Lớp 1 có 13 học sinh còn lớp 2 có 5 học sinh nên chúng tôi bố trí dạy ghép hai lớp cùng lúc. Nghĩa là, một lớp sẽ có 2 bảng và 2 bàn giáo viên, lớp 1 ngồi bảng bên trái, lớp 2 ngồi bảng bên phải. Vì dạy hai lớp cùng lúc nên một tiết học sẽ kéo dài từ 35 – 40 phút”, thầy Tâm chia sẻ.
Anh Hạng Thanh Tùng (Phó Bí thư Huyện Đoàn Xín Mần) cho biết, do điểm trường Hậu Cấu chỉ có chương trình đến lớp 2 nên các em sau khi hết lớp 2 bắt buộc phải ra điểm trường chính cách thôn 7km để học. Tuy nhiên, do Hậu Cấu là một trong những địa điểm cao nhất nước ta nên mùa đông tại đây nhiệt độ thường xuyên hạ xuống mức -2 đến -3 độ C gây nên hiện tượng băng giá, thậm chí có tuyết rơi. Vì thế, chỉ một số ít em mà cha mẹ có xe máy mới đưa đón đi học được, còn lại đều phải băng rừng, lội suối đến trường hằng ngày.
Vì điều kiện đi lại và kinh tế gia đình khó khăn nên hầu hết các em học sinh tại Hậu Cấu chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học. Mỗi năm học mới, Huyện Đoàn đều phát động chương trình đi từng nhà vận động gia đình và các em đến trường.
Đồng thời, Huyện Đoàn cũng thường xuyên kêu gọi, kết hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng như các tổ chức, hội, nhóm thiện nguyện và nhà hảo tâm để chuẩn bị trường, lớp, đồ dùng học tập tươm tất nhất nhằm tạo động lực cho các em đến trường.
Tại buổi trao quà thiện nguyện, không chỉ thầy cô điểm trường Hậu Cấu mừng vui mà cả các bậc phụ huynh cũng không giấu nổi niềm xúc động khi thấy những màu áo xanh tình nguyện nhễ nhại mồ hôi, bùn đất cõng sách vở và đồ dùng lên điểm trường tặng các con. Do đó mà cứ thấy ai mặc áo xanh tình nguyện, bà con đều ra cầm tay nói “Ua tsaug” (Cảm ơn – tiếng Mông).
Rồi khi đoàn tình nguyện ra về, các em học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy Tâm chẳng biết từ khi nào đã đứng xếp hàng ngay ngắn dưới cột cờ Tổ quốc, nơi có thể nhìn lên mốc giới 188 và con đường đá khấp khểnh mà đoàn tình nguyện chuẩn bị đi về mà hát vang: “Dù lên rừng hay xuống biển. Vượt bão giông vượt gian khổ. Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”…
Rưng rưng xúc động, các đoàn viên thanh niên như tự hứa với lòng sẽ quyết tâm gieo thêm nhiều mầm xanh tình nguyện đến các điểm trường khó khăn, theo đúng tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”…