Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định dạy thêm, học thêm. Thông tư mới giải quyết vấn đề tồn tại trong học đường nên có nhiều ý kiến khác biệt khi nhận định về Thông tư 29 là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, mẫu số chung của dư luận là không để tiêu cực trong dạy thêm, học thêm loang ra, lớn dần, gây áp lực nặng nề cho học sinh, phụ huynh, làm đứt gãy niềm tin vào nhà trường, làm mờ nhạt hình ảnh người thầy.
Để quy định dạy thêm, học thêm được thực thi nghiêm túc, hiệu quả, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cần quan tâm một số điều kiện.
Hiệu trưởng phải thay đổi cách quản trị trường học
Quản lý dạy thêm, học thêm, nếu sâu sát, không ai hiểu giáo viên, học sinh trong trường hơn hiệu trưởng. Chẳng hạn, qua phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng các lớp, hiệu trưởng biết giáo viên có đang dạy học sinh mà giáo viên này được phân công dạy chính khóa hay không.
Hiệu trưởng kiên quyết yêu cầu giáo viên dạy thêm thực hiện đúng Thông tư 29; nếu vi phạm, theo quy định mà xử lý. Trong một, hai năm học nếu làm nghiêm thì dạy thêm, học thêm đi vào nếp, đúng quỹ đạo. Mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần thấm sâu trong kế hoạch giáo dục nhà trường; không nặng nề truyền thụ kiến thức, không sa vào “dạy cái”, không quá “soi” học trò qua kiểm tra lý thuyết, tính toán, dạng, mẫu. Tăng cường tích hợp, trải nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, phát huy tự học, hướng dẫn giáo viên và học sinh sử dụng các nguồn học liệu, bám sát nội dung chương trình môn học, hiểu và vận dụng (dạy, học, ôn, luyện) đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Hiệu trưởng linh hoạt triển khai tại trường mình phụ trách, tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh, học sinh, phối hợp các đoàn thể trong nhà trường, hướng dẫn tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch từ Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Hiệu trưởng nói về quy định mới dạy thêm, học 0106
Cần nhớ rằng tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi mấy chục năm qua đâu có thu tiền của phụ huynh học sinh. Ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp thì kết hợp giữa hướng dẫn của giáo viên, tự ôn tập của học sinh, học nhóm, học tại thư viện… Số tiết giáo viên lên lớp ôn tập sẽ không nhiều nên hiệu trưởng cần có kế hoạch từ đầu năm học, cân đối kinh phí được cấp, chi trả cho thầy cô đứng lớp cùng bộ phận phục vụ.
Đối với giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, hiệu trưởng muốn “phủ bóng” kiểm tra cũng không khó. Suy cho cùng, Thông tư 29 đòi hỏi hiệu trưởng thay đổi cách quản trị trường học.
Giáo viên thực hiện thiên chức của nhà giáo
Dạy thêm góp phần rèn luyện chuyên môn, thêm thu nhập cho giáo viên, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhưng sâu xa, học sinh đến trường học để mà vui, khỏe khoắn, rèn kỹ năng, nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cho mai này trở thành công dân toàn cầu. Đó là sứ mạng của thầy cô. Cao quý nghề dạy học là thế.
Thông tư 29 quy định “không dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm”, “không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học”, “không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”. Thông tư 29 là phép thử đạo đức nhà giáo. Chỉ khi giáo viên đồng lòng thực hiện thì mới triệt tiêu dạy thêm, học thêm tràn lan.
Phụ huynh thay đổi quan niệm về việc học của con em
Chạy theo điểm số, thành tích, “khoán” việc học của con em cho thầy cô, những điều này khiến phụ huynh vô hình trung làm tăng phức tạp dạy thêm, học thêm.
Phụ huynh cần tạo cho con em thói quen tự học với tài liệu, phương tiện học tập, kết hợp hỗ trợ của giáo viên. Phụ huynh cũng thường xuyên kiểm tra việc học hành của con em, động viên đúng lúc, kịp thời lắng nghe những khó khăn, trắc trở, bức xúc và thận trọng giải quyết. Được vậy, việc học của các em nhẹ nhàng, không lãng phí thời gian, không tiêu tốn tiền bạc, không bào mòn hứng thú học tập do không phải “mài đũng quần” ở lớp học thêm tràn lan.
“Nóng” dạy thêm, học thêm có trách nhiệm không nhỏ của phụ huynh. Thông tư 29 là thêm một phép thử dạy dỗ con em đối với phụ huynh học sinh.
Bộ GD-ĐT phải là “tổng công trình sư”
Sau khi ban hành Thông tư 29, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe, cầu thị sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa rõ, không khả thi, còn thiếu trong Thông tư 29 mà mấy ngày qua, báo chí, thầy cô giáo, phụ huynh… góp ý.
Tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cải tiến thi cử, kiểm tra, tăng cường đánh giá quá trình, tôn trọng sự khác biệt của học sinh, tập trung bồi dưỡng hiệu trưởng và giáo viên về đổi mới phương pháp quản lý, rèn luyện chuyên môn, nâng cao đáng kể đời sống vật chất và tinh thần nhà giáo.
Bộ hãy là nguồn sóng cảm xúc tích cực, lan tỏa đến từng cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô, học sinh… Đây là năng lượng tích cực cho đổi mới tư duy giáo dục, huy động nguồn lực phát triển giáo dục, tạo sự đồng thuận trong ngành giáo dục, ngoài xã hội.
Đích đến giáo dục phổ thông là kỹ cương, tình thương, trách nhiệm. Và Bộ GD-ĐT là “tổng công trình sư” thiết kế, hướng dẫn thực hiện giá trị đó.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-day-them-hoc-them-khong-tran-lan-giao-vien-neu-4-de-xuat-185250108101847056.htm