Theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1/7, cơ cấu tiền lương mới của giáo viên sẽ gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và bổ sung tiền thưởng (khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Hơn 2 tháng nữa là đến thời gian thực hiện cải cách tiền lương trên cả nước, nhưng vẫn chưa có thông tin về phương án dự kiến cách tính lương mới cho giáo viên.
Công tác trong ngành giáo dục gần 25 năm, cô Bùi Thị Nhơn, giáo viên trường Tiểu học Tân Thành A (Bình Phước) vui mừng khi nhận được thông tin lương giáo viên có thể thuộc vào nhóm được tăng lương cao nhất.
“Hiện thu nhập của nghề giáo còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống, chưa tương xứng với nghề nên dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ để tìm công việc khác thu nhập tốt hơn. Khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao nhất so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác, tôi và các đồng nghiệp rất vui”, cô Nhơn nói.
Việc tăng lương là bước tiến quan trọng, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao công sức của người lao động trong ngành giáo dục. Tăng lương cũng chính là động lực để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề mà không bị trăn trở về nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Bên cạnh niềm vui tăng lương, cô Bùi Thị Nhơn cũng băn khoăn khi cải cách lương sẽ không còn chế độ phụ cấp thâm niên.
“Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác chỉ nắm được thông tin cải cách lương từ ngày 1/7 tới đây, còn cho đến nay vẫn chưa nhận được chi tiết công thức tính lương mới thế nào. Tuy nhiên nếu xoá bỏ phụ cấp thâm niên, vậy lương của những giáo viên công tác lâu năm trong nghề như tôi có bị thiệt thòi không?”, cô Nhơn băn khoăn.
Cô Phạm Thị Nhàn, giáo viên trường THCS Phúc Khánh (Thái Bình) lo ngại, nếu không còn phụ cấp thâm niên sẽ rất thiệt thòi, bởi đây không chỉ là chỉ số để tính lương mà còn đánh dấu mốc thời gian gắn bó của giáo viên với nghề.
“Trong khi nhiều giáo viên trẻ vui mừng vì sau cải cách tiền lương sẽ được tăng thêm thu nhập thì một số giáo viên có thâm niên cao lại lo lắng, bởi không biết sau cải cách, thu nhập, quyền lợi mình có được bảo đảm hay không”, cô Nhàn nói và cho hay phụ cấp thâm niên rất quan trọng, điều này là động lực giúp thầy cô gắn bó và phấn đấu với nghề. Cô giáo cho rằng, nếu như bãi bỏ khoản phụ cấp này thì các giáo viên công tác lâu năm chịu nhiều thiệt thòi.
“Ở miền xuôi hay ngược, công việc giáo viên mầm non vô cùng vất vả. Các cô phải lên lớp từ 6h sáng đến 17h30 hoặc lúc nào hết việc mới về. Lứa tuổi này, trẻ nhỏ chưa thể tự phục vụ bản thân nên các cô phải dạy dỗ, lẫn chăm sóc với tấm lòng yêu thương, tận tụy và tâm huyết”, cô Lê Thị Toan, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai (Yên Châu, Sơn La) cho hay.
Tháng 7/2023, lương cơ bản tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng đã đem lại niềm vui không nhỏ cho giáo viên. Từ ngày 1/7 tới khi thực hiện chính sách tiền lương mới là điều thầy cô chờ mong, nhất là giáo viên mầm non.
Cô hy vọng, chính sách tiền lương mới giúp giáo viên sống được bằng lương, không phải quá lo toan cơm áo, gạo tiền để tập trung thời gian, tâm trí với nghề.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, hiện tổng thu nhập của nhà giáo gồm lương theo bậc chức danh nghề nghiệp và các phụ cấp lương đã có cải thiện hơn so với các ngành nghề khác. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận so với tính chất đặc thù, lương nhà giáo vẫn còn thấp và khẳng định trong thời gian tới khi thực hiện cải cách tiền lương, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, lương giáo viên được điều chỉnh theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc sẽ có mức lương như nhau. Những nhà giáo đảm nhận, kiêm nhiệm chức vụ, đảm nhận công việc khó, phức tạp sẽ được ưu đãi xứng đáng.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mức tăng theo mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với ngành giáo dục.
Ngoài bỏ phụ cấp thâm niên nghề, Nghị quyết 27 cũng sẽ bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội, phụ cấp công vụ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm để đưa vào trong mức lương cơ bản. Đồng thời, tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung cho giáo viên lâu năm, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động.
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt, Nghị quyết 27 cũng nêu rõ quan điểm chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.