Hàng trăm giáo viên trên khắp Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của một mô hình lừa đảo đa cấp đội lốt nền tảng dạy học trực tuyến, với nhiều người thiệt hại hàng trăm nghìn nhân dân tệ.
Cảnh sát Trung Quốc đang điều tra một chuỗi vụ việc lừa đảo xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố như Thành Đô, Thượng Hải và Hải Khẩu. Theo thông tin từ truyền thông địa phương và cơ quan chức năng, một công ty có tên Jinan Haisheng Information Technology Co., Ltd. đã dụ dỗ hàng trăm giáo viên tham gia nền tảng dạy học trực tuyến với lời hứa về thu nhập cao và lịch trình linh hoạt. Tuy nhiên, thực chất đây là một mô hình lừa đảo tinh vi.
Công ty trên đã tuyển dụng giáo viên cho các lớp dạy thêm trực tuyến bán thời gian, quảng bá rằng mức thù lao lên đến 600 nhân dân tệ cho mỗi buổi dạy nhóm nhỏ và 900 nhân dân tệ với lớp quy mô lớn. Để được “kết nối với học sinh”, giáo viên buộc phải nộp trước khoản phí thông tin dao động từ 1.000 đến 3.000 nhân dân tệ. Ban đầu, công ty này vẫn thanh toán đúng hạn, tạo lòng tin nơi người dạy.
Hàng trăm giáo viên trên khắp Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của một mô hình lừa đảo đa cấp đội lốt nền tảng dạy học trực tuyến, với nhiều người thiệt hại hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Ảnh: VCG.
Một nạn nhân, giáo viên tại tỉnh Hà Bắc có tên giả là Dương Dương, kể với tờ The Paper rằng chị gia nhập nền tảng vào tháng 10 năm 2024. Do có công việc chính tại một trường tư thục, chị bị hấp dẫn bởi lịch dạy linh hoạt và thù lao cao. Sau vài buổi được trả tiền đúng hẹn, Dương Dương đã giới thiệu nhiều giáo viên khác tham gia và nhận thưởng thêm cho mỗi lượt giới thiệu thành công.
Tuy nhiên, đầu năm 2025, công ty bất ngờ đăng thông báo trì hoãn thanh toán qua nền tảng WeChat, rồi giải tán nhóm trò chuyện, khiến các giáo viên không thể liên lạc. Sau đó, người điều hành nền tảng, họ Trương, đã biến mất không dấu vết.
Dương Dương cho biết chị đã chuyển tổng cộng khoảng 110.000 nhân dân tệ cho công ty, bao gồm cả khoản tiền nộp thay cho những người được chị giới thiệu. Nhưng số tiền thực tế mà chị và các giáo viên kia nhận lại từ việc dạy học chỉ vỏn vẹn dưới 30.000 nhân dân tệ.
Một trường hợp khác ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, còn chịu tổn thất nghiêm trọng hơn. Giáo viên này từng giới thiệu hơn 160 người tham gia nền tảng, được nhận 200 nhân dân tệ cho mỗi lượt giới thiệu. Cô đã chuyển tổng cộng hơn 1 triệu nhân dân tệ cho công ty, nhưng chỉ thu lại được 700.000 nhân dân tệ. Sau khi tự đứng ra thanh toán cho các giáo viên dưới quyền, cô chịu khoản lỗ khoảng 500.000 nhân dân tệ.
Sinh viên đóng giả học sinh, lớp học “ma”
Điểm đáng ngờ xuất hiện khi nhiều giáo viên nhận ra các “học sinh” trong lớp không hề bật micro hoặc camera, mà chỉ tương tác qua khung trò chuyện. Công ty giải thích rằng học sinh đang học tại trung tâm và sử dụng máy chiếu để xem bài giảng nên không tiện bật camera hay nói chuyện. Tuy nhiên, sự thật được phanh phui khi công an điều tra và báo chí trong nước vào cuộc.
Cơ quan chức năng phát hiện công ty đã thuê người đóng giả học sinh nhằm tạo lớp học “ma” và từ đó thu các khoản phí kết nối học sinh từ giáo viên. Sau khi người điều hành họ Trương biến mất, Dương Dương đã cố liên hệ với một trong những người cô từng gửi tiền để giới thiệu giáo viên mới. Người này thừa nhận mình chỉ là sinh viên đại học và được thuê tham gia lớp học với mức thù lao 50 nhân dân tệ mỗi buổi.
Tình trạng lừa đảo tuyển dụng trực tuyến tại Trung Quốc ngày càng phổ biến, nhất là trong bối cảnh người lao động săn lùng công việc bán thời gian linh hoạt. Những chiêu trò tinh vi, đánh vào tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập và phát triển nghề nghiệp, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.
Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, nhiều ngành khác cũng bị lợi dụng làm bình phong để lừa đảo. Tháng 1 năm nay, cơ quan quản lý không gian mạng tỉnh Phúc Kiến đã phát cảnh báo về các chiêu trò giả danh tuyển dụng diễn viên lồng tiếng, yêu cầu ứng viên đóng trước phí đào tạo. Gần đây, cảnh sát Thượng Hải kịp thời ngăn chặn một người dân địa phương chuyển khoản 70.000 nhân dân tệ để tham gia một khóa học bị nghi lừa đảo.
Trước sự phát triển của các hình thức lừa đảo trực tuyến và qua viễn thông, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Cuối năm 2024, chính phủ trung ương ban hành một loạt quy định mới nhằm siết chặt việc thực thi Luật chống lừa đảo qua viễn thông và Internet, có hiệu lực từ năm 2022. Mục tiêu của các chính sách này là nâng cao năng lực kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi gian lận và bảo vệ người dân trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hiện nay, nhiều nạn nhân vẫn đang gửi đơn tố cáo và phối hợp với cảnh sát để truy tìm tung tích người điều hành họ Trương. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo người lao động cần thận trọng trước những lời mời chào việc làm có thu nhập cao bất thường, nhất là khi đi kèm với yêu cầu đóng tiền trước. Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến cũng được yêu cầu nâng cao trách nhiệm kiểm duyệt và xác minh đối tác nhằm hạn chế môi trường cho những kẻ gian lợi dụng để trục lợi.
Nguồn: https://danviet.vn/lop-hoc-ma-giao-vien-mat-trang-sau-khi-dong-phi-ket-noi-hoc-sinh-2025032903340421.htm
Bình luận (0)