Là GVMN có 26 năm đứng lớp, cô Nguyễn Lan Anh, GV Trường mầm non Phú Sơn (Thanh Hóa), cho biết trên thực tế thời gian làm việc của GVMN có khi lên đến 12 giờ/ngày. “Mùa hè 6 giờ 30 và mùa đông là 6 giờ 45 chúng tôi đã phải đi làm. Thường thì 17 giờ 30 là về, nhưng có những hôm phụ huynh quên đón con, chúng tôi vẫn phải ở lại chờ đến 18 giờ. Không những thế, thời gian rảnh còn phải làm đồ dùng học tập, tham gia các hội thi, hoạt động phong trào…”, cô Lan Anh chia sẻ.
Theo cô Lan Anh, GVMN đóng rất nhiều vai, vừa là cô giáo, vừa là người mẹ, vừa phải biết múa hát, chơi trò chơi, có khi lại như một hộ lý canh cho trẻ uống thuốc đúng giờ… Thế nhưng, chỉ cần học sinh lỡ tay cào bạn hoặc đánh nhau là phụ huynh đến lớp bắt đền, mắng mỏ, thậm chí có GV còn bị phụ huynh tấn công.
Cô Lan Anh bộc bạch: “Ở tuổi gần 50, chúng tôi đã cảm thấy không còn phù hợp với các hoạt động sôi động, tính tình cũng trầm hơn và sống hướng nội. Sức khỏe giảm sút, nhiều hôm về thở không ra hơi, nói không thành tiếng vì viêm họng, viêm dây thanh quản. Một số GV có hơn 30 năm trong nghề, nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu đã không thể trụ lại mà xin nghỉ việc, không đợi để hưởng chính sách bảo hiểm, điều này khá là thiệt thòi”.
Không chỉ áp lực từ phía phụ huynh, cô Lê Ngọc Hà, GVMN tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội), cho hay dạy mầm non, hằng ngày phải chịu áp lực từ tiếng ồn quấy khóc của trẻ, mùi nôn, trớ, tiếp xúc với nhiều chất thải từ trẻ…, thậm chí làm việc trong môi trường có nhiều vi khuẩn và vi rút, do trẻ em thường hay đau ốm…
Cô Ngọc Hà chia sẻ: “Thực tế trẻ và phụ huynh cũng thích được học những cô giáo trẻ, năng động. Khi thấy con mình xếp vào lớp GV già, nhiều phụ huynh đã xin chuyển sang lớp cô giáo trẻ hơn, điều này khiến chúng tôi cảm thấy tủi thân, tổn thương và không còn nhiệt huyết như xưa. Nếu được về hưu trước tuổi, vừa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của GV già, vừa là cơ hội cho GV trẻ đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn tốt cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.
Ở tuổi 54, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Tùng (H.Thanh Chương, Nghệ An), đã dành cả thanh xuân làm “cô nuôi dạy trẻ”. Bà chia sẻ: “Việc giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống là một đề xuất rất hợp lý và đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Đây không phải là nguyện vọng của riêng tôi mà của tất cả GV trong trường. Chúng tôi mong muốn ngành nghề của mình được xếp vào nghề nặng nhọc, độc hại để cho GVMN được nghỉ hưu sớm”.
Trả lời Thanh Niên, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận GVMN không chỉ dạy trẻ mà còn phải đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ nhỏ. “Nếu GVMN bị suy giảm thị lực, mắt mờ, chân chậm thì cũng nên xếp loại vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đề nghị cơ quan chức năng xem xét cụ thể, giảm tuổi nghỉ hưu từ 1 – 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung quy định tại bộ luật Lao động”, ông Lợi nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-mam-non-mong-moi-duoc-ve-huu-som-185240529232232142.htm