'Thực hành tâm vận động Aucouturier' là một phương pháp mới giúp tất cả trẻ nhỏ có khó khăn, kể cả rối loạn giao tiếp nặng nhất như rối loạn tự kỷ... có thể được phục hồi.
Thực hành tâm vận động Aucouturier về giáo dục và phòng ngừa cho trẻ nhỏ bình thường - Ảnh: BS LỆ BÌNH
Làm thế nào để giao tiếp với trẻ không giao tiếp?
Đó là câu hỏi của tôi năm 2008, sau khi lắng nghe và cảm nhận tất cả nỗi khổ của một người cha có con bị rối loạn tự kỷ qua bài trình bày "Tự kỷ - khoảng trống đáng sợ của nhi khoa" tại Hội nghị Tự kỷ toàn quốc năm 2008, tổ chức ở Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Những khám phá thú vị
Tôi đã được học 3 năm (2001 - 2003) với Trường Tâm lý thực hành Paris (EPP) tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đã có khả năng nhận biết các rối loạn tâm bệnh lý ở trẻ nhỏ, trong đó rối loạn nặng nhất là rối loạn tự kỷ. Tôi rất xúc động và thấy mình có thể chẩn đoán được rối loạn tự kỷ nhưng bất lực trong việc tiếp cận và trị liệu cho trẻ hoàn toàn không giao tiếp này.
Năm 2008, tôi được học bổng của Chính phủ Pháp trong chương trình bác sĩ nội trú lần 2, tôi quyết định tìm cách để được thực tập về tâm bệnh lý trẻ nhỏ sau thời gian thực tập tại khoa nội thần kinh nhi ở Bệnh viện Kremlin Bicêtre.
Tôi thấy cách tiếp cận của nhà tâm vận động đối với trẻ có rối loạn tự kỷ khá đặc biệt, riêng phòng tâm vận động tại khoa tâm bệnh lý trẻ nhỏ ở Viện Sơ sinh và Chu sinh còn trang bị một hồ bơi nhỏ cho trẻ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một trẻ rối loạn tự kỷ có thể cười trong trạng thái bình an, dẫu chưa có giao tiếp mắt với nhà tâm vận động.
Khi đó, tôi rất muốn học về tâm vận động, nhưng thời gian thực tập tại Pháp đã hết. Năm 2009 vừa từ Pháp về Việt Nam, biết tin đang có khóa đào tạo về tâm vận động tại TP.HCM nên tôi tìm gặp cô Annette Bauer.
Tôi khá lo lắng vì khóa đào tạo đã bắt đầu trước đó 1 năm, nhưng thật may mắn, cô Annette đã đồng ý. Cô nói cô rất vui vì tôi vừa là bác sĩ nhi, vừa được đào tạo về tâm lý chu sinh nên học về tâm vận động Aucouturier rất phù hợp.
Tôi đã khám phá cách đào tạo tâm vận động của cô Annette tuyệt vời hơn phương pháp tâm vận động mà tôi từng được trải nghiệm ở Paris trước đây, vì đó là phương pháp thực hành tâm vận động Aucouturier (PPA = Pratique Psychomotrice Aucouturier).
Đây là phương pháp dựa trên mối quan hệ, trong khi tâm vận động ở Pháp là tâm vận động chức năng, nhắm vào trị liệu các triệu chứng, biểu hiện bên ngoài.
Nhiều trẻ đã phục hồi hoàn toàn
PPA đề ra hai điều kiện quan trọng đó là phòng tâm vận động cần được thiết kế đặc biệt. Phòng cần đủ rộng, các trang thiết bị được bố trí một cách an toàn, phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý theo độ tuổi của trẻ.
Trẻ được tự khởi xướng trò chơi, khám phá và diễn đạt tự do, cũng như được sống trong niềm vui thích vận động. Phòng tâm vận động là nơi trẻ sống cùng với tiến trình phát triển tâm sinh lý của riêng mình.
Đồng thời, nhà tâm vận động cần được chuyển hóa bản thân: ngoài việc được trang bị một số kỹ năng và công cụ hỗ trợ trẻ đặc biệt, họ cần được chuyển hóa bên trong. Họ có thể nhận ra những khả năng, những điểm tích cực của trẻ bên cạnh một số khó khăn của trẻ.
Bên cạnh đó, họ hiểu được nguồn gốc của những biểu hiện bất thường bên ngoài của trẻ (nhờ phân tích và tổng hợp thông tin từ cha mẹ về quá trình phát triển của trẻ và ít nhất 3 buổi quan sát trẻ ở phòng tâm vận động).
Đồng thời, thấu hiểu ý nghĩa ngôn ngữ cơ thể của trẻ, thấu cảm với nỗi khổ đau, lo hãi, ức chế, giận dữ, tổn thương, sang chấn... bên trong của trẻ. Nhà tâm vận động Aucouturier là người đồng hành ở vị trí đồng đẳng, ngang tầm với trẻ, chơi cùng và chơi vì trẻ, không lên kế hoạch dạy trẻ và mong đợi trẻ đạt những thành tích do mình đề ra.
Tiếp xúc với nhà tâm vận động Aucouturier, trẻ cảm thấy mình được hiểu, được đáp ứng phù hợp thường xuyên, được tôn trọng và thấy mình có giá trị dẫn đến trẻ đặt niềm tin vào nhà tâm vận động. Từ đó, trẻ trở nên tự tin và cởi mở, muốn chơi, muốn giao tiếp và muốn lớn lên.
Vì thế trẻ không chỉ mất các hành vi "lạ" mà còn phát triển nhiều mặt khác, song song về cảm xúc, tình cảm, mối quan hệ, nhận thức về bản thân và thế giới chung quanh trẻ.
Vai trò của cha mẹ rất quan trọng
Qua kinh nghiệm trị liệu tại phòng tâm vận động của tôi từ năm 2012, một số trẻ có biểu hiện rối loạn tự kỷ, đến sớm trước 3 tuổi, được sự hợp tác của cha mẹ, đã phục hồi hoàn toàn sau 1-2 năm.
Những trường hợp người cha mẹ cùng con đến trị liệu thường có độ phục hồi cao và nhanh hơn. Những trẻ đến trễ (5-6 tuổi) cũng có những tiến bộ đáng kể, một số trẻ có thể đi học trường bình thường.
Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt là trẻ không thể tập trung học được ở trường bình thường, nhưng cha mẹ ép trẻ đến trường, kết quả là trẻ bị thụt lùi, xuất hiện lại những biểu hiện thu mình, tăng động, bốc đồng...
May mà cha mẹ của trẻ này đã nhận ra nguồn gốc của vấn đề và thay đổi môi trường cho trẻ. Trước đây, trẻ đến vì hành vi lạ (hay hôn chân người khác), không giao tiếp, bốc đồng, không nhận biết bản thân, không thể hiện cảm xúc, ngay cả vào ngày sinh của mình được bạn bè, người thân chúc mừng...
Bây giờ trẻ tiến bộ nhiều mặt, nhận biết bản thân, biết thể hiện cảm xúc với người khác và rất vui vào ngày sinh nhật, nói nhiều và diễn đạt mạch lạc hơn, biết thể hiện tình cảm với cha mẹ, giao tiếp tốt với người thân, có thể làm một số việc nhà khi được yêu cầu, có thể ngồi lâu chơi lắp ráp, làm lồng đèn...
Trẻ thích đến trường - ngôi trường dành cho trẻ đặc biệt, không áp đặt trẻ học chữ mà giúp cho trẻ thực hành các kỹ năng tự lo cho bản thân, làm thủ công, tạo hình, học hát.
Người cha cũng nhận ra mình thay đổi nhiều: từ nóng tính đã trở nên rất kiên nhẫn. Tình thương con đã giúp người cha thay đổi, góp phần quan trọng giúp con trai thay đổi.
Sự tiến bộ của những trẻ này xác tín trong tôi hiệu quả của phương pháp thực hành tâm vận động Aucouturier, khiến tôi mong muốn góp phần lan truyền phương pháp này tại Việt Nam.
Khi cô Annette Bauer đề nghị theo khóa học để trở thành nhà đào tạo, tôi đồng ý ngay. Tôi đã trở thành nhà đào tạo tâm vận động Aucouturier, được tổ chức ASEFOP (Association Européenne des Écoles de Formation à la Pratique Psychomotrice - Hiệp hội các trường đào tạo về Tâm vận động Aucouturier châu Âu) công nhận từ tháng 2-2019, sau 4 năm được đào tạo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Quang Huy - khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay phương pháp thực hành tâm vận động Aucouturier do Bernard Aucouturier phát triển.
Nguyên tắc chính của tâm vận động Aucouturier là vận động tự do, không áp đặt; không gian an toàn và kích thích; quan sát, đồng hành và chú trọng cảm xúc, biểu đạt cá nhân. Hiện nay các phòng tâm vận động tại TP.HCM đều theo các nguyên tắc chính của phương pháp Aucouturier.
T.HIẾN
Bác sĩ Nguyễn Lệ Bình - chuyên khoa nhi khoa và là nhà tâm lý lâm sàng, nhà đào tạo tâm vận động Aucouturier, phân môn tâm thần nhi chu sinh - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giao-tiep-voi-tre-khong-giao-tiep-bang-thuc-hanh-tam-van-dong-20250207075212997.htm
Bình luận (0)