Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII đã xác định “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu” là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển KT-XH.
Nhiều thể chế, chính sách thực hiện chuyển đổi xanh
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 876/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải carbon và metan của ngành GTVT.
Bộ GTVT tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, hội thảo quốc tế… về phát triển giao thông xanh. (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (hàng đầu thứ bảy từ trái), Thứ trưởng Lê Anh Tuấn (hàng đầu thứ năm từ trái) và các đại biểu tham dự tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” tại Hà Nội, ngày 21/8).
Quyết định 876 xác định rõ: Giai đoạn đến năm 2030, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho tất cả các phân ngành GTVT và sự sẵn sàng về công nghệ, thể chế, năng lực và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi.
Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ căn bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế.
Để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển giao thông xanh theo lộ trình đã đề ra tại Quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT của Thủ tướng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, công cụ tài chính ưu đãi thu hút đầu tư tư nhân cũng như thu hút/huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế nhằm phát triển giao thông xanh, thân thiện môi trường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn
Giai đoạn đến năm 2050, chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh cho tất cả các phương tiện và thiết bị vận tải để góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia không phát thải. Song song với đó là phải hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai Quyết định 876, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1679/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023 ban hành “Kế hoạch của Bộ GTVT thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT” (Kế hoạch 1679).
Lãnh đạo Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Vụ KHCN-MT), Bộ GTVT cho biết, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức thực hiện đúng tiến độ.
Để có hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi giao thông xanh, Bộ GTVT đã rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; phương tiện giao thông thông minh trong Luật Đường bộ 2024, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
Bộ GTVT đã tổ chức xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2030, định hướng đến 2050; xây dựng Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia.
Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Để phát triển hạ tầng sạc cho xe điện, nội dung QCVN đã bổ sung quy định về số vị trí có thể lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện cho các trụ sạc điện trong trạm dừng nghỉ.
Cùng đó ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện.
Bộ GTVT cũng tổ chức xây dựng: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thay thế QCVN 09:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, trong đó cập nhật các quy định liên quan đến ô tô điện; quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy.
Xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia cho trạm dừng nghỉ xanh, cảng hàng không xanh, nhà ga đường sắt xanh, từ đó làm cơ sở xây dựng mới, chuyển đổi trạm dừng nghỉ, cảng hàng không, ga đường sắt theo tiêu chí xanh.
“Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai dự án “Hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong khuôn khổ dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” (NDC-TIA), lãnh đạo Vụ KHCN-MT cho hay.
Huy động mọi nguồn lực, đảm bảo lộ trình chuyển đổi
Liên quan đến giải pháp tổng thể về nguồn lực để thực hiện Quyết định 876, lãnh đạo Vụ KHCN – MT cho biết, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Trạm sạc cho xe điện Vinfast tại Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.
Như vậy, việc triển khai, thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh cần có sự đồng hành, hợp tác, hỗ trợ về công nghệ, tài chính của quốc tế.
Tại báo cáo Phó thủ tướng mới đây về tình hình triển khai Quyết định 876, Bộ GTVT nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến định hướng phương thức triển khai, thực hiện. Trong đó huy động nguồn lực từ sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.
“Các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, nghiên cứu xác định nguồn lực trong nước, nhu cầu hỗ trợ công nghệ, tài chính quốc tế đối với các chương trình, nhiệm vụ, dự án cụ thể đã xác định trong kế hoạch của Bộ, địa phương; xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực trong đó xác định nhu cầu hỗ trợ công nghệ, tài chính để chuẩn bị sẵn sàng làm việc với các đối tác quốc tế”, Bộ GTVT đề xuất.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/giao-thong-phai-xanh-than-thien-moi-truong-192240830094941867.htm