GS Gianni Kriscak hiện giảng dạy bộ môn âm nhạc nhà hát tại Trường đại học Âm nhạc và Biểu diễn ở Graz (Áo).
Trước đó, ông có hơn 10 năm giảng dạy lịch sử opera và biểu diễn với tư cách một nghệ sĩ dương cầm tại Nhật Bản.
Ông mới sang Việt Nam, để có mặt trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách Lịch sử opera Ý phần I và hòa nhạc La Passione của Hiền Nguyễn Soprano chiều 28-2 tại Hà Nội.
Ý tưởng đến “mạnh mẽ và đột ngột”
Chia sẻ tại họp báo chiều 28-2, ông nói ý tưởng xuất bản cuốn khảo cứu này tại Việt Nam đến với ông một cách “mạnh mẽ và đột ngột”.
GS Gianni Kriscak giải thích thực ra Việt Nam không phải là nước đầu tiên ông nghĩ sẽ xuất bản cuốn sách của mình.
Trong hơn 10 năm làm việc tại Nhật, ông nhận thấy “hầu như họ chỉ biết một chút về opera”, “nhiều nghệ sĩ châu Á nghĩ opera có nghĩa là hát và chỉ hát”.
“Tại sao opera trở thành một phần thiết yếu của xã hội châu Âu, nhất là Ý”, ông nói “những kiến thức về dư địa để opera nảy sinh và phát triển đóng vai trò quan trọng”, thường bị người Nhật bỏ qua.
“Người Nhật” mà ông đề cập đến không chỉ có các ca sĩ mà có cả các nhạc trưởng, giám đốc sân khấu, giáo viên âm nhạc…
Quê hương của opera là Ý.
Ông quyết định dạy lịch sử opera Ý, sau đó có ý định xuất bản một cuốn sách về lịch sử opera Ý ở châu Á để những ai yêu âm nhạc, đặc biệt là yêu opera có thể tham khảo.
Khoảng năm 2016, ông Gianni Kriscak có tham gia giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ở đây có một số sinh viên sở hữu giọng hát đẹp.
Tuy nhiên, ông Gianni Kriscak phải đối mặt với một sự thực giống thời còn ở Nhật Bản, đó là người biết thực sự về opera còn quá ít.
Nghệ sĩ Hiền Nguyễn Soprano là học trò của GS Gianni Kriscak.
Sau khi tu nghiệp về nước, cô nhận thấy ở Việt Nam, những cuốn chuyên khảo về opera rất hiếm.
“Tôi đã kể cho GS Gianni Kriscak, không ngờ ông cũng ấp ủ điều đó. Cuốn sách được bắt đầu từ hai năm trước, nay mới trình làng”, Hiền Nguyễn kể.
Ngược về lịch sử một cách “ít nhàm chán nhất”
Sách tên Lịch sử opera Ý nhưng chỉ có 194 trang, trong khi cuốn A short history of opera (Lược sử về opera) – một cuốn được cho là kinh điển trong lĩnh vực này – đã khoảng 1.000 trang.
Với số lượng trang hạn chế thế, liệu có gói lại một cách đầy đủ lịch sử opera Ý, dù là lấy mốc từ bình minh bộ môn nghệ thuật này tới đầu thế kỷ 18?
Ông Gianni Kriscak nói, trong cuốn này, nhóm tác giả đưa ra những lời giải thích ngắn gọn về bối cảnh chính trị – xã hội, cũng như vai trò của các nhà hát ở Ý…
“Chúng tôi cố gắng đề cập những khoảnh khắc quan trọng và thú vị ở giai đoạn này – vốn chưa được phổ biến rộng, cũng ít người biết đến”, ông nói.
Trong đó có cả giai đoạn trước khi nhạc kịch ra đời với các hình thức sân khấu âm nhạc khác nhau.
“Chúng tôi đã gắng viết nó một cách ít nhàm chán nhất”, ông nói.
Hiền Nguyễn Soprano bày tỏ thêm, nhóm tác giả lựa chọn những điều quan trọng nhất trong lịch sử opera Ý để đưa vào sách, tránh lan man, giúp độc giả nắm bắt thông tin một cách nhanh và chuẩn xác nhất, tránh tình trạng nặng nề khi tiếp cận một loại hình được xem là hàn lâm ở Việt Nam.
“Sau khi ra mắt phần I, nếu cuốn sách được đón nhận ở Việt Nam, nhóm tác giả sẽ ra tiếp phần II”, GS Gianni Kriscak chia sẻ.
Trong hòa nhạc La Passione (vào tối 1-3 tới tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội), Hiền Nguyễn Soprano và hai khách mời (Gianni Kriscak và Quốc Đạt) sẽ giới thiệu những bản nhạc tình kinh điển của thế giới và Việt Nam.
So với phong cách pop hóa cổ điển để tiếp cận công chúng, lần này hòa nhạc La Passione của Hiền Nguyễn Soprano đào sâu vào thính phòng cổ điển.
Chương trình gồm hai phần là thanh nhạc cổ điển và bán cổ điển với tổng 16 bản nhạc.
Về phía tình ca Việt Nam, có các tác phẩm như Ru con mùa đông (Đặng Hữu Phúc), Đêm nằm mơ phố (Việt Anh), Cung đàn mùa xuân (Cao Việt Bách), Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến)…