(Tổ Quốc) – Là một sự kiện bản lề nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức-Việt vào năm 2025, Triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà – kết quả của việc hợp tác giữa Goethe-Institut (Viện Goethe) Hà Nội, ifa, The Outpost và Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam – hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn văn hóa quan trọng tại Việt Nam nói riêng và tại Đông Nam Á nói chung.
Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ cho khán giả để được chiêm ngưỡng những tác phẩm nguyên bản, đa dạng về hình thức thể hiện, của một nghệ sĩ đương đại thành danh và có tầm ảnh hưởng quốc tế – cũng như khám phá những sáng tạo chưa từng được công bố của một nghệ sĩ đương đại hoạt động tích cực, bền bỉ, và quyết liệt tại Việt Nam.
Triển lãm nhóm kết hợp hai nghệ sĩ xuất sắc này sẽ mang đến một cái nhìn toàn cảnh về sự nghiệp của cả hai. Hơn 60 tác phẩm ý niệm của Rosemarie Trockel, từ tranh vẽ, tranh dệt, ảnh, video, đến sắp đặt, không chỉ chứa đựng nhiều ẩn ý sâu sắc mà còn mở ra không gian tự do biện giải cho khán giả. Trong khi đó, chỉ với 04 tác phẩm, bao gồm tranh và điêu khắc mềm/vải, bốn giai đoạn chính trong sự nghiệp của Lại Diệu Hà đã dần lộ diện. Họ cùng nhau dệt nên những phối cảnh về nghệ thuật đương đại và xã hội đương đại, cũng như những thân phận con người trong bối cảnh ấy. Sẽ có 12 tác phẩm được trưng bày tại sảnh chính tầng một của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và phần còn lại trong toàn bộ không gian triển lãm của The Outpost.
Tại Đức, vào những năm 1980, Rosemarie Trockel là nữ nghệ sĩ Đức duy nhất xây dựng được sự nghiệp mang tầm quốc tế, trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên đại diện cho Đức tham dự liên hoan nghệ thuật danh giá nhất thế giới – Venice Biennale – vào năm 1999. Trong một bối cảnh nghệ thuật phần lớn do nam giới chi phối, Trockel đã sáng tạo ra những tác phẩm phê phán, thách thức các hệ thống, quan điểm, khái niệm và hình mẫu giới tính áp đặt cho cả phụ nữ và đàn ông, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong xã hội nói chung. Hiện nay, bà là một trong những nghệ sĩ ý niệm quan trọng nhất thế giới còn sống, ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nghệ thuật. Triển lãm lần này tại Hà Nội là lần đầu tiên Trockel xuất hiện tại Đông Nam Á, thuộc chương trình triển lãm lưu động do ifa – Institut für Auslandsbeziehungen (Viện Quan hệ Đối ngoại Đức) khởi xướng, bao gồm các nghệ sĩ hàng đầu khác như Gerhard Richter, Sigmar Polke, và Georg Baselitz. Trước đó, triển lãm của Rosemarie Trockel đã được trưng bày tại 42 điểm bao gồm các thành phố ở Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh, Nga, Ấn Độ, Seoul, Thượng Hải…
Tại Việt Nam, vào đầu những năm 2010, Lại Diệu Hà đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật trình diễn khi ở tuổi ngoài 30, với những màn trình diễn vừa quyền lực vừa thơ mộng, sử dụng cơ thể chính mình như đối tượng và phương tiện. Cô là nghệ sĩ nữ đầu tiên tại Việt Nam bán thành công tác phẩm trình diễn dưới dạng video. Đến năm 2023, Hà gây bất ngờ khi giành giải Bạc trong cuộc thi UOB Painting of the Year tại Việt Nam—một trong những Giải thưởng hội họa uy tín khu vực châu Á. Năm 2024, những tác phẩm điêu khắc mềm, có thể mang tính ứng dụng và dễ dàng đi vào đời sống thường nhật, đã trở thành những tác phẩm quan trọng nhất của nữ nghệ sĩ này. Sau gần 20 năm hoạt động, Hà không chỉ được công nhận là một trong những nghệ sĩ trình diễn quan trọng của Việt Nam, mà còn không ngừng mở rộng phương thức thực hành và ranh giới cho chính khái niệm nghệ thuật trình diễn, tạo tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước.
Triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà diễn ra từ ngày 07/12/2024 đến 03/01/2025 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và The Outpost, giới thiệu chân dung hai nghệ sĩ—một từ Đức và một từ Việt Nam—là những đại diện nổi bật, tiếng nói nữ giới mạnh mẽ trong bối cảnh nghệ thuật đương đại quốc tế.
Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, sẽ có chương trình trò chuyện với nghệ sĩ, các buổi tham quan với các chuyên gia, và một workshop nghiên cứu và sáng tạo trên các quan điểm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà giúp công chúng hiểu hơn về quá trình sáng tạo nghệ thuật và những thông điệp mà các tác phẩm muốn gửi gắm./.
Nguồn: https://toquoc.vn/giao-luu-nghe-thuat-duong-dai-cua-hai-nghe-si-noi-tieng-viet-nam-duc-20241209211923483.htm