Nghị quyết 29 & 10 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29). Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta. Từ tư duy chiến lược ấy, 10 năm qua, giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Trong đó, việc tạo dựng lên những “ngôi trường hạnh phúc” để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cũng là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục hiện nay. |
Giáo dục đã thực chất hơn
10 năm qua, ở bậc học phổ thông, việc triển khai Nghị quyết 29 cũng đã diễn ra đồng bộ, có hệ thống, đặc biệt là việc đưa chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới vào dạy học. Với những thầy cô gắn bó với giáo dục gần 20 năm đều dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi từng ngày khi những mục tiêu, triết lý giáo dục mang hơi thở, tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW được áp dụng vào trường học.
Câu chuyện mà thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ sau đây là một minh chứng sinh động. Theo thầy Cường, điều có thể nhận thấy được rõ nét nhất sự thay đổi tích cực kể từ khi triển khai Nghị quyết 29 là giáo dục đã “thực” hơn. Trước khi Nghị quyết 29 ra đời, thầy Cường cho rằng ở đâu đó vẫn còn hình thức, thành tích nhưng hiện nay việc dạy thực, học thực đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
Cập nhật kịp thời hơi thở của thời đại Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kết quả của sự kế thừa thành quả, kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam trong các giai đoạn trước đây, nhất là Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và sự học hỏi tư tưởng, kỹ thuật xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển. Theo Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Việt Nam đổi mới chương trình vào đúng thời điểm các nước như Hòa Kỳ, Australia, Phần Lan, Hàn Quốc, Đức… cũng đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, chúng ta có điều kiện cập nhật các mô hình chương trình hiện đại”. |
Với chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đơn cử như chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giáo dục đã bám sát chủ trương “dạy thực, học thực, nhân tài thực”. Các thầy cô giáo và các nhà trường đã không còn quá đặt nặng về thành tích, họ quan tâm nhiều đến cảm xúc của học trò, theo dõi học trò tiến bộ từng ngày qua việc dạy học hướng tới hình thành kỹ năng, phẩm chất cho người học.
Thầy Nguyễn Cao Cường là giáo viên THCS duy nhất tham gia viết sách giáo khoa môn Toán (6, 7, 8) của Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Chính vì vậy, thầy hiểu rõ những thay đổi mà chương trình mới và sách giáo khoa mới mang lại. “Một chương trình, nhiều bộ sách” mang tới “làn gió mới” cho giáo dục phổ thông. Trong đó, chương trình được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất là điểm mới.
Không chỉ riêng thầy Cường mà nhiều thầy cô giáo đều nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, điểm nhấn lớn nhất mà Nghị quyết 29 mang lại cho giáo dục phổ thông chính là triết lý giáo dục nhấn mạnh yếu tố dạy người. Đây chính là điểm nổi trội nhất mà Nghị quyết 29 mang lại.
Cần quyết liệt hơn nữa
Bên cạnh những vấn đề đạt được khi triển khai Nghị quyết 29, đến nay nhiều thầy cô vẫn nhận thấy còn nhiều điểm cần chấn chỉnh để Nghị quyết được triển khai tốt hơn nữa.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, khi triển khai Nghị quyết 29, ông cảm thấy sự tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi nhiều nơi vẫn còn thụ động, vẫn chưa thực sự quyết liệt đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.“Ví dụ như vấn đề tiền lương, Nghị quyết 29 nêu rõ lương nhà giáo nằm trong thang bậc lương cao nhất nhưng đến nay lương giáo viên vẫn chưa đủ sống, đời sống nhiều thầy cô gặp nhiều khó khăn” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Cao Cường kể ra nhiều điểm vẫn còn chưa được như kỳ vọng như việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho đổi mới chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi trong giáo dục, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ nhà giáo ở nhiều nơi vừa thiếu lại vừa thừa. Nhiều môn học rất cần có giáo viên lại chưa có và nhiều môn học, cấp học lại có dấu hiệu thừa giáo viên. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về tiền lương và đãi ngộ chưa có sức hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều năm các trường sư phạm không tuyển được những học sinh xuất sắc, nhiều nơi giáo viên xin nghỉ việc.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng là một khó khăn khi nhiều nơi chưa đảm bảo. Việc trang bị cơ sở vật chất chưa đầy đủ, kịp thời ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Nhiều nơi việc dạy học môn Tin học gặp rất nhiều khó khăn bởi không có phòng máy tính. Hay nhiều ngôi trường rất khang trang tại các tỉnh miền núi nhưng không có đầy đủ thiết bị dạy học.
Qua trao đổi để thấy Nghị quyết 29 đã làm thay đổi bộ mặt giáo dục phổ thông cả về chất, lẫn lượng. Tuy nhiên, còn đâu đó những vấn đề chưa thực sự như ý muốn. Hy vọng, thời gian tới những rào cản, những hạn chế sẽ được khắc phục để Nghị quyết 29 tiếp tục được triển khai toàn diện và đi vào chiều sâu để thay đổi giáo dục phổ thông.
Giáo dục phổ thông Việt Nam được quốc tế đánh giá caoTheo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa – Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của Tạp chí US NEWS (Hoa Kỳ), nước ta đứng thứ hạng 59 thế giới. Giáo dục phổ thông Việt Nam đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong top 40. |
Trinh Phúc