Phóng viên (PV): Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của HVBP (20-5-1963 / 20-5-2023), đồng chí có thể chia sẻ một số nét chính về Học viện?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh: HVBP (tiền thân là Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang) là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, đồng thời là đơn vị thường trực SSCĐ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hàng trăm cán bộ, giáo viên, hàng nghìn học viên của Học viện đã trực tiếp tham gia chiến đấu, trừ gian, diệt ác, đập tan âm mưu, hoạt động gián điệp, biệt kích, xâm phạm biên giới, chiến tranh tâm lý của địch. Nhiều đồng chí lập công xuất sắc, anh dũng hy sinh, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho BĐBP, Quân đội, Công an và cán bộ quân đội các nước trong khu vực. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi chiếm 82-84%. Hiện HVBP đang đào tạo hàng chục đối tượng học viên trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho BĐBP, Quân đội ta và Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia. Về nghiên cứu khoa học, HVBP đã nghiên cứu gần 2.000 đề tài, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước đạt loại xuất sắc, 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp bộ, 92 đề tài cấp ngành…
Với những thành tích xuất sắc, HVBP đã được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 7 Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.
PV: Để công tác GD-ĐT đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban giám đốc HVBP có những chủ trương, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh: Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, đặc biệt là Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác GD-ĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới và Nghị quyết 776 của Đảng ủy BĐBP về đổi mới công tác GD-ĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng BĐBP trong tình hình mới, Học viện tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT, như: Tiến hành chuẩn hóa chương trình, nội dung giảng dạy, giáo trình, tài liệu và quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng GD-ĐT; bảo đảm nội dung, phương pháp dạy học theo hướng thiết thực, hiện đại, thống nhất, liên thông giữa các bậc học; coi trọng huấn luyện kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp và trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu với yêu cầu ngày càng cao… Chúng tôi xác định công tác GD-ĐT phải sát với thực tiễn biên cương, làm cho học viên yêu biên cương, giỏi nghiệp vụ, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết những việc HVBP đã triển khai để đào tạo cán bộ sát với thực tiễn biên cương?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”, HVBP đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của học viên, gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường gắn với biên giới và đơn vị, huấn luyện lý thuyết đi đôi với thực hành, coi trọng nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên sát với cương vị đảm nhiệm khi ra trường. Học viện liên hệ chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan nghiệp vụ của BĐBP, cập nhật thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP trên các tuyến biên giới, biển, đảo vào bài giảng; phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo các môn nghiệp vụ chuyên ngành…
Đặc biệt, Học viện tăng cường cho học viên đi thực tế, thực tập, vừa học tập thông qua trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, vừa hiểu thực tiễn công tác, chiến đấu, sinh hoạt của BĐBP và điều kiện, đời sống của nhân dân vùng biên giới, biển, đảo, từ đó xác định tốt trách nhiệm, quyết tâm, không bị bỡ ngỡ khi ra trường. Không chỉ đi thực tế, thực tập theo chương trình đào tạo, Học viện còn cử cán bộ, giảng viên, học viên tăng cường cho các đơn vị thực hiện những nhiệm vụ đột xuất, cần thiết, như đợt cao điểm cả nước phòng, chống dịch Covid-19, hàng nghìn lượt giảng viên, học viên của HVBP đã được tăng cường cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới trọng điểm. Bên cạnh đó, Học viện ứng dụng chuyển đổi số để học viên được xem nhiều hình ảnh trực quan, tăng cường các tài liệu, mô hình, thao trường bảo đảm dạy học sát với thực tiễn nhiệm vụ…
PV: Điều kiện công tác của BĐBP ở biên giới, biển, đảo gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm, lại xa gia đình… Học viện làm thế nào để học viên yêu biên cương, yên tâm học tập, công tác?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh: Đây là vấn đề Đảng ủy, Ban giám đốc HVBP rất quan tâm, trăn trở. Để học viên sau khi ra trường trở thành cán bộ biên phòng, về các đơn vị công tác với tâm thế và nhiệt huyết cống hiến, có tình yêu sâu sắc đối với biên giới, biển, đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Học viện chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống; thường xuyên tổ chức tọa đàm, diễn đàn, thông tin chuyên đề về biên giới, đặc biệt là triển khai mô hình “Biên giới trong lòng Học viện”. Những hình ảnh, câu chuyện về biên cương đã giáo dục, hun đúc tình yêu biên giới, phẩm chất và bản lĩnh của học viên; thông qua những tấm gương cán bộ, chiến sĩ gắn bó cả cuộc đời với biên cương, vượt lên gian khổ để trưởng thành, trong đó rất nhiều đồng chí từng học tập, công tác tại Học viện đã phát triển thành tướng lĩnh, cán bộ cấp cao… tạo cho học viên niềm tin, nhiệt huyết, quyết tâm phấn đấu.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HUY NHÂN (thực hiện)