Với địa hình núi đá, mùa đông ở Hà Giang là khoảng thời gian khô cằn, lạnh giá. Khi những cơn mưa phùn đầu tiên xuất hiện báo hiệu mùa đông sắp qua, sự hồi sinh đang diễn ra âm thầm ở miền biên cương.
Và cũng rất nhanh chóng, Hà Giang khoác lên mình tấm áo mới như một sự lột xác diệu kì từ khô cằn sang rực rỡ, tràn đầy sức sống.
Mùa xuân tới cũng là lúc hành trình về với miền đất nhiều cảm xúc bắt đầu. Chúng tôi khởi hành từ cột mốc số 0, dọc theo sông Miện trong xanh đến xã Tùng Vài với lối rẽ vào từ Quyết Tiến, nơi có một số cây mận già, trước khi đến Cổng Trời Quản Bạ.
Mặc dù không phải là một trong những nơi cao nhất Hà Giang nhưng vì có địa hình đặc biệt nên nơi đây thường xuyên bị mây che phủ, tạo ra sương mù, đặc biệt vào sáng sớm. Dù trời có bừng sáng ở Cán Tỷ, thì khi đứng ở đó nhìn sang, toàn bộ Cổng Trời Quản Bạ như bị chìm hoàn toàn trong mây. Có lẽ vì thế mà cái tên Cổng Trời ra đời chăng?
Chìm trong dòng suy nghĩ, phút chốc tôi đã đến dốc Cán Tỷ, từ đây có 2 lựa chọn: đi theo con đường ngắn hơn nối thẳng sang Lao và Chải nếu ưu tiên hơn về thời gian, còn lựa chọn thứ hai là đi theo đường cũ. Tuy khó đi hơn, nhưng con đường vốn gần như bị lãng quên kể từ khi đường tắt ra đời sẽ đưa ta qua những đồi thông lộng gió, đồi cỏ xanh mát như thảo nguyên nhỏ với tầm nhìn bao la. Lác đác những cây đào trổ hoa bên hiên nhà cũ không khỏi làm tôi xao xuyến.
Con đường quanh co dẫn chúng tôi tới xã Sà Phìn, đi ngang qua những hàng mận trắng muốt nằm dưới thung lũng, tới nhánh rẽ vào đường lên Lũng Cú. Dù không còn nhiều nhưng hoa đào, mận vẫn thấp thoáng trong những bản nhỏ ở Lũng Táo, Ma Lé… khi nhìn từ trên cao xuống.
Và sắc màu ấy lại xuất hiện nhiều hơn khi điểm đến Lũng Cú hiện ra. Hoa ở đây không mọc trên đá nữa, mà ngay trước cửa hay trong vườn nhà ở Lô Lô Chải, Thèn Pả hay Tả Gia Khâu. Chính quyền và người dân nơi đây đang tích cực trong việc bảo tồn những điểm thu hút mang tính địa phương, trong đó có việc bảo vệ các gốc đào và trồng thêm hoa đào – loài hoa đặc trưng của mùa xuân Hà Giang.
Tạp chí Heritage