Giá cà phê tăng gấp 3 lần, nhiều hợp đồng giao kết bị phá vỡ Nguồn cung chỉ còn 300.000 tấn, giá cà phê tiến đến mốc 120.000 đồng/kg |
“Trong niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm” – ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca Cao Việt Nam (VICOFA) chia sẻ và cho biết trong quý 1/2024, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt khoảng 600.000 tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất trong những năm qua và mức tăng này là nhờ giá cà phê.
Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VICOFA |
Ông Nguyễn Nam Hải nhận định: Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá cà phê tăng. Thứ nhất, trong niên vụ 2022-2023 vừa qua, lượng tồn kho đạt mức thấp nhất trong rất nhiều niên vụ. Đến tháng 10 mới bắt đầu vụ 2023-2024, nhưng từ tháng 6, 7 chúng ta đã thiếu hàng, không có hàng giao cho các hợp đồng xuất khẩu đã bán trước.
Thứ hai, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino khô hạn tác động đến năng suất và sản lượng của cà phê toàn cầu, đặc biệt là cà phê robusta rất cần nước.
Thứ ba, do chiến tranh, cấm vận, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cà phê ra toàn cầu, khiến giá cà phê lên cao.
Thứ tư, trên các sàn cà phê, các nhà đầu tư tài chính cũng tập trung vào mặt hàng cà phê, chỉ sau mặt hàng dầu mỏ cũng là một trong những yếu tố làm tăng giá cà phê trong thời gian qua.
Thực tế từ các thống kê của VICOFA cho thấy, vào thời điểm tháng 3/2023 giá cà phê nội địa mới ở mức 47.000 đồng/kg nhưng đến tháng 10/2023 giá đã trên 58.000 đồng/ kg, và đến thời điểm hiện tại giá cà phê đã ở mức 110.000 đồng/ kg. Tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và doanh nghiệp trên các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.
Ở mức giá hiện nay, dù nông dân được hưởng lợi nhưng các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn bởi khi giá cà phê tăng quá thì có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Từ việc người nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam, người nông dân không trực tiếp bán cho nhà xuất khẩu mà thông qua hệ thống đại lý, thương lái. Khi giá cà phê tăng cao, đã xảy ra tình trạng đứt gãy ở khâu thương lái. Do đó, ông Hải cho biết đã có cảnh báo các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khâu trung gian như đại lý, thương lái để đảm bảo uy tín đối với nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Về phía nhà xuất khẩu, ông Nguyễn Nam Hải lưu ý nên hạn chế tối đa việc bán xa và đặc biệt là mua xa để tránh rủi ro phải mua hàng giá cao giao cho hợp đồng giá thấp hoặc không thể thực hiện hợp đồng.
Đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán đã xảy ra, đề nghị giữa người mua và người bán cùng nhau đàm phán, thỏa thuận cùng chia sẻ rủi ro, giá cả cũng như tiến độ, thời gian giao hàng khi giá cà phê tăng cao đột ngột, tránh thiệt hại dồn cho một phía.
Đặc biệt, thay mặt VICOFA, ông Hải đề nghị ngân hàng nên tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê. Các địa phương vùng nguyên liệu cần tuyên truyền, cảnh báo nông dân, các đại lý, thương lái địa phương hạn chế tối đa việc “mua xa, bán xa” để tránh rủi ro cao khi giá cả tăng cao. Các địa phương cũng cần cảnh báo việc mở rộng diện tích trồng cà phê khi giá lên cao, đề phòng khủng hoảng thừa cà phê sau đó.
Về lâu dài, ông Hải khẳng định: Việt Nam cần phát triển cà phê bền vững. Bởi lẽ biến đổi khí hậu là yếu tố đầu tiên ảnh hướng tới ngành cà phê. Trong nhiều năm qua, không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các vùng trồng cà phê trên toàn cầu, đặc biệt những vùng trồng cà phê robusta đều bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất tác động khiến năng suất, sản lượng cà phê bị sụt giảm trong niên vụ vừa qua. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đảm bảo sự bền vững cho ngành cà phê từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt là phải tạo ra mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng được các vùng cà phê đạt chất lượng phát triển bền vững.