Ngày 17.8, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tổ chức Hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 23, Hội Y học bà mẹ và bào thai châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16.
Tại hội nghị này, bác sĩ CK.2 Trần Học Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đã trình bày chuyên đề: Xu hướng hiện nay của ngành sản phụ khoa, kinh nghiệm Bệnh viện Từ Dũ.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Bệnh viện Từ Dũ đặt ra chiến lược “sinh an toàn, mẹ tròn con vuông”. Mục tiêu giảm tử vong mẹ; giảm tỷ lệ tử vong chu sinh (thai kỳ từ tuần 28 đến hết tuần đầu tiên sau khi trẻ sinh ra); chẩn đoán trước sinh những bất thường thai và can thiệp điều trị ngay từ trong bào thai…
Giảm tử vong mẹ
Theo thống kê, Việt Nam là một quốc gia xếp vào nhóm tử vong mẹ thấp, với khoảng 124 ca tử vong mẹ trên mỗi 100.000 trẻ sinh sống. Nguyên nhân thường do các biến chứng sản khoa nặng nề như vỡ tử cung, nhau cài răng lược, thuyên tắc phổi…
Tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2022 có 7 trường hợp cấp cứu vỡ tử cung và 241 trường hợp nhau cài răng lược. Đa số là các trường hợp vỡ tử cung ngoại viện đều được Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu kịp thời. Tỷ lệ phẫu thuật bảo tồn tử cung trong nhau cài răng lược là hơn 90% các trường hợp, với kỹ thuật mổ mới, giúp giảm lượng máu mất trong mổ nhau cài răng lược.
“Trong chiến lược giảm tử vong mẹ, cứu sống các bệnh nhân thuyên tắc phổi là một bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị các biến chứng sản khoa. Tỷ lệ tử vong mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ luôn giữ ở mức thấp”, bác sĩ Trần Ngọc Hải nói.
Giảm tử vong sơ sinh
Cùng với đó, tại Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ tử vong sơ sinh ngày càng thấp và giảm dần qua các năm. Tỷ lệ nuôi sống trẻ non tháng, đặc biệt là sinh cực non dưới 26 tuần ngày càng tăng nhờ đầy đủ trang thiết bị hồi sức sơ sinh hiện đại và chuyên sâu.
Mỗi ngày, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận, điều trị và chăm sóc cho khoảng hơn 200 trẻ sơ sinh, trong đó 30-40% cần hồi sức sơ sinh tích cực.
Góp phần quan trọng vào tỷ lệ nuôi sống trẻ sinh non là ngân hàng sữa mẹ được thành lập từ 2019 tại Bệnh viện Từ Dũ. Với số lượng sữa mẹ hiến tặng hằng năm ngày càng tăng, lên đến gần 6.722 lít trong năm 2022, trong đó có 6.141 lít đã được sử dụng trong năm.
Chẩn đoán trước sinh
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, tăng chất lượng dân số trong tương lai là một nhiệm vụ khẩn thiết của Bệnh viện Từ Dũ trong xu hướng chung của nền y học thế giới. Những tiến bộ trong sàng lọc trước sinh và phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại đã giúp phát hiện các bất thường bẩm sinh từ rất sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ như hội chứng người cá, ngũ chứng Cantrel, bất thường Ebstein’s…
Thêm vào đó, lĩnh vực chuyên sâu như di truyền y học cũng đã có nhiều bước tiến mới như xét nghiệm Karyotype máu chẩn đoán vô sinh, sẩy thai; xét nghiệm di truyền phôi (PGT); double test, triple test sàng lọc trước sinh; sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT); xét nghiệm di truyền thai; chẩn đoán trước sinh thalassemia thai; sàng lọc sơ sinh các bệnh lý bẩm sinh, sàng lọc rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh…
Với mục tiêu phát hiện sớm bất thường và kịp thời can thiệp bào thai, bệnh viện luôn đi đầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cao cho tuyến dưới, xây dựng mạng lưới sàng lọc trước sinh – sơ sinh rộng khắp, tăng cường truyền thông nhận thức cộng đồng và xã hội.
Năm 2022, Bệnh viện Từ Dũ đã sàng lọc và chẩn đoán 21.602 ca bất thường bẩm sinh. Trong số đó, 2.590 trường hợp được can thiệp bào thai điều trị hoặc đình chỉ kịp thời.
Một trong những mũi nhọn chiến lược khác của Bệnh viện Từ Dũ đó là điều trị bệnh phụ khoa bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, như phẫu thuật nội soi, đốt sóng cao tần (RFA)…
Theo thống kê qua mỗi năm, số trường hợp phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Từ Dũ ngày càng tăng, với hơn 11.000 trường hợp được điều trị bằng phương pháp mổ nội soi trong năm 2022, chiếm hơn 70% các trường hợp phẫu thuật phụ khoa…
Hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á – Thái Bình Dương diễn ra trong 2 ngày 17 và 18.8. Đây được xem là diễn đàn y học với sự tham gia của hơn 73 báo cáo viên là các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia thuộc Hội Sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á – Thái Bình Dương (VFAP), Hội Y học bà mẹ và bào thai châu Á – Thái Bình Dương (APCMFM), Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế (FIGO), Bệnh viện Từ Dũ và một số bệnh viện khác.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 2.700 đại biểu (400 đại biểu quốc tế) với những bài báo cáo về các vấn đề y học thực hành cũng như những “điểm nóng” trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ.