Xu hướng tất yếu
Phát triển công trình ngầm và khai thác không gian ngầm là xu hướng tất yếu và là tiêu chí cần thiết để đo lường mức độ hiện đại hóa của phát triển đô thị. Không gian ngầm, đặc biệt là không gian ngầm đô thị được nhiều quốc gia coi là tài nguyên thiên nhiên quý giá giúp giải quyết những khó khăn do không đủ bề mặt đất để xây dựng, sử dụng. Đơn cử tại Singapore, trong những năm gần đây, quốc gia này đã di chuyển rất nhiều các công trình công cộng, nhà máy, công sở và kho chứa vào trong lòng đất nhằm giải phóng diện tích đất trên bề mặt.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng – Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư chia sẻ, tại Singapore, không gian ngầm gần bề mặt đất được quy hoạch xung quanh các hoạt động “lấy con người làm trung tâm”, sử dụng cho những hoạt động đòi hỏi phải kết nối với mặt đất như trung tâm mua sắm, bãi đỗ xe, giao thông, đường đi bộ và tiện ích đô thị. Trong khi không gian ngầm ở các cấp độ sâu hơn sẽ được sử dụng cho đường hầm tiện ích, hệ thống thoát nước trong đường hầm sâu. Việc quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị của Singapore mang tính khả thi và có ý nghĩa, là phương pháp để tăng hiệu quả sử dụng đất và cải thiện chất lượng môi trường sống. Có thể điểm danh một số hệ thống công trình ngầm tiêu biểu của quốc gia này như: đường sắt đô thị (trong số 180km đường sắt đô thị, có 82km nằm dưới mặt đất); đường bộ (gần 10% mạng lưới đường cao tốc của Singapore nằm dưới mặt đất; hầm ngầm (hiện có hai dự án hầm ngầm lớn ở Singapore là dự án hang đá trên đảo Jurong và dự án Kho đạn ngầm).
Tại Nhật Bản, quy hoạch được xem là một chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư nghiêm túc. Sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Điểm đặc biệt nhất trong quy hoạch đô thị Nhật Bản là các chương trình phát triển đô thị có quy định tối thiểu 40% dự án phải ưu tiên cho địa phương quản lý thực hiện. Khi quy hoạch được lập nên, cần lấy ý kiến từ cộng đồng nhiều lần, bảo đảm 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn. Xét về mặt tổng thể, hệ thống không gian ngầm của Nhật Bản được quy hoạch cho 3 nhóm hạng mục công trình hạ tầng cơ bản: nhóm thứ nhất gồm đường cấp khí gas, nước, điện, thông tin liên lạc; nhóm thứ hai bao gồm các công trình giao thông đô thị như tàu điện ngầm, đường giao thông ngầm, bãi đỗ xe ngầm; nhóm thứ ba là các công trình thương mại dịch vụ như các khu phố mua sắm ngầm…
Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng ở đây là hầu hết các không gian ngầm dùng cho mục đích công cộng không đi dưới nhà dân, không đi dưới các công trình của tư nhân mà đi dưới đường đi của không gian chung, công cộng. Các công trình ngầm này cũng được xây dựng đồng bộ để tránh khỏi tình trạng “đào lên lấp xuống” nhiều lần. Theo đó, Nhật Bản chia các nhóm không gian ngầm ra làm những tầng khác nhau được gọi chung là “phần ngầm nông” gần mặt đất và “phần ngầm sâu”.
Với sự gia tăng dân số đô thị và sự phát triển nhanh chóng của các TP lớn, không gian ngầm ngày càng được chú trọng như một giải pháp nhằm giải quyết áp lực về sử dụng đất trên mặt bằng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng nhìn nhận, việc khai thác tài nguyên này ở nước ta hứa hẹn rất nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, rất cần phải có khung pháp lý và giải pháp hoàn chỉnh cho vấn đề này. Bởi không giống như không gian trên bề mặt, một khi đã khai thác sử dụng, đất đai không thể trở về trạng thái cũ, đồng nghĩa với việc không gian ngầm sẽ không thể quy hoạch lại khi đã thực hiện.
Để quy hoạch trở nên khả thi
Theo các chuyên gia, một khung chính sách hỗ trợ phát triển không gian ngầm là yếu tố quan trọng. PGS.TS Nguyễn Công Giang – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, bước đầu tiên để đạt được điều này là cần làm rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng không gian ngầm. Việc xác định rõ ràng các ranh giới và phạm vi công việc cho các nhà quy hoạch và nhà phát triển sẽ giúp tránh tạo ra bầu không khí rủi ro, điều này có thể cản trở đầu tư và làm giảm mức độ sử dụng không gian ngầm.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển quy hoạch, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa phát triển trên mặt đất và dưới mặt đất, những cơ hội cho việc đồng vị trí và cân nhắc độ sâu. Cuối cùng, để các công việc quy hoạch trở nên khả thi, dữ liệu chính xác phải được sẵn có. Dữ liệu này nên bao gồm cả dữ liệu quy hoạch chung và dữ liệu đặc thù về không gian ngầm như địa chất.
TP Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Do vậy, lần đầu tiên, quy định về Quản lý, sử dụng không gian ngầm được quy định trong Luật Thủ đô tại Điều 19 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng, vấn đề đặt ra trong việc triển khai quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô 2024 thời gian tới là khẩn trương hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm.
Đồng thời, Hà Nội cần sớm tiến hành tổ chức quy hoạch sử dụng không gian ngầm một cách toàn diện và chi tiết nhằm đạt được hiệu quả sử dụng ngầm cao nhất về mặt không gian và thời gian, trong đó bao gồm: hiện trạng không gian ngầm và dự báo phát triển, chiến lược phát triển không gian ngầm; nội dung, thời kỳ, quy mô và bố trí, các bước thực hiện phát triển không gian ngầm, cũng như vị trí cụ thể của kỹ thuật ngầm, vị trí lối vào và lối ra, độ cao của các phần khác nhau, mối quan hệ giữa các công trình, mối quan hệ với công trình mặt đất và bố trí toàn diện các dự án hỗ trợ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; những loại hình công trình khuyến khích xây ngầm, quy hoạch độ sâu thi công tùy theo đặc tính của công trình và chuẩn bị đủ quỹ không gian ngầm cho tương lai.
Theo các chuyên gia, Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện có hiệu quả Đồ án “Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000”. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồ án này nên có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới.
Việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm của Thủ đô phải chú trọng phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng, bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất.
Theo các chuyên gia, Hà Nội cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công trình ngầm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định pháp luật nói chung và Luật Thủ đô 2024 nói riêng liên quan đến quản lý, sử dụng không gian ngầm. Để từ đó, mọi người dân nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ, đồng tình ủng hộ khi chính quyền TP thực hiện các dự án công trình ngầm.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/giam-ap-luc-do-thi-tao-da-phat-trien-ben-vung.html