Thêm công cụ để quản lý
Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội (gọi tắt là Quy chế) được UBND TP Hà Nội ban hành là “bộ nguyên tắc” để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý trong lĩnh vực kiến trúc. Với Hà Nội, Quy chế này có ý nghĩa quan trọng, là bước cụ thể hóa chế tài để quản lý phát triển đô thị, nông thôn sau khi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau Luật Kiến trúc, Chính phủ và Quốc hội muốn có quy chế quản lý kiến trúc. Trước hết phải hiểu sự đổi mới này là khái niệm về kiến trúc. Trong kiến trúc không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là hoạt động kiến trúc. Quy chế này rộng hơn quy chế cũ, vẫn bám theo quy hoạch nhưng mở rộng về kiến trúc. Bên cạnh đó, thời gian qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hệ thống văn bản, công cụ để phát triển TP.
Luật Thủ đô 2024, hai đồ án quy hoạch và Quy chế quản lý kiến trúc và Chương trình phát triển đô thị của TP là bộ công cụ quản lý phát triển theo định hướng, thể hiện sự nghiêm túc nghiên cứu của TP Hà Nội, kế thừa quy chế cũ.
“Vấn đề đặt ra là gắn Quy chế này với tổ chức thực hiện quy hoạch, đặc biệt là Chương trình phát triển đô thị. Có thể nói phải thực hiện đồng bộ, phải có cơ cấu tổ chức hợp lý, tuyên truyền rộng rãi; thường xuyên thanh, kiểm tra xử lý vi phạm. Mặt khác, vai trò trách nhiệm của cộng đồng ra sao thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa để làm tốt được định hướng” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh”.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát
Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc. Đơn cử, theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, để bảo đảm việc thực thi Quy chế đúng quy định theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 của UBND TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị quận tiếp nhận, rà soát đánh giá đối với các kiến nghị, đề xuất có nội dung liên quan đến Quy chế này từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có giải thích, hướng dẫn phù hợp.
Tổng hợp, xem xét đề xuất đối với những trường hợp phát sinh từ thực tiễn hoặc chưa quy định trong Quy chế này để tham mưu UBND quận Đống Đa báo cáo Sở QH - KT, UBND TP Hà Nội. Chủ trì biên tập những nội dung cơ bản của Quy chế quản lý kiến trúc liên quan đến thẩm quyền của quận, chủ đầu tư có hoạt động xây dựng để tuyên truyền phổ biến.
Đề xuất việc thực hiện chương trình hành động trong công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông tin địa lý (GIS) vào công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan; nghiên cứu các khả năng áp dụng mô hình BIM hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Chủ trì xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý kiến trúc theo đề xuất của Đội quản lý trật tự xây dựng và UBND phường. Rà soát hiện trạng kiến trúc và công trình, nhà ở trên địa bàn để có giải pháp triển khai thực hiện việc cải tạo chỉnh trang, đặc biệt tại các khu vực có cảnh quan và kiến trúc chưa đồng bộ, kém thẩm mỹ làm ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc chung của khu vực, địa bàn.
Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đề xuất xử lý các trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng; đề xuất biện pháp khắc phục tình trạng gây mất mỹ quan không gian, kiến trúc, cảnh quan (như cơi nới, để các vật dụng, thiết bị, vật kiến trúc, quảng cáo cũ hỏng...) thông qua Phòng Quản lý đô thị.
UBND quận Đống Đa cũng yêu cầu Phòng Văn hóa Thông tin quận nghiên cứu các quy định của Quy chế trong hoạt động quảng cáo; hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện theo đúng quy định và rà soát toàn bộ hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo để có giải pháp khắc phục. UBND các phường nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, Nhân dân trên địa bàn phường về Quy chế quản lý kiến trúc; tổng hợp những khó khăn vướng mắc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mặt khác, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cơ quan chức năng cần tuyên truyền định hướng, công cụ quản lý rộng rãi tới người dân, không chỉ cơ quan quản lý biết, phải lựa chọn giải pháp để báo chí truyền thông vào cuộc tuyên truyền đến mọi người dân. Đây là vấn đề TP đang bỏ ngỏ, cần quan tâm hơn, đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát.
Theo các chuyên gia, trong quá trình thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc sẽ có một số vấn đề. Đơn cử, quá trình vận hành Quy chế chắc chắn sẽ bộc lộ những điểm bất cập. Bởi, tất cả quy định khi áp dụng đều nảy sinh những vấn đề trong thực tiễn, không như tính toán trong quá trình khảo sát, tổng hợp từ quá khứ. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới để Quy chế hoàn thiện tốt hơn.
Quy chế Quản lý kiến trúc là chủ trương, chính sách chung của Nhà nước và TP Hà Nội, tạo ra một thói quen mới, cách làm, tiếp cận giải quyết vấn đề mới. Trong Quy chế quản lý kiến trúc có nhiều nội dung có tính cách mạng, nhưng dựa trên cơ sở sở khoa học; nếu thực hiện được sẽ cho thấy sự tiến bộ trong xây dựng, quản lý đô thị phát triển bền vững.
Mặt khác, trong Quy chế quản lý kiến trúc có những quy định đến tận quận, huyện. Các quận, huyện căn cứ vào nội dung quy chế để triển khai. Khi áp dụng, chúng ta cần chế tài thông suốt từ TP tới quận, huyện theo hệ thống sở, ngành cấp TP đến phòng, ban thuộc quận, huyện. Đồng thời, TP Hà Nội cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cộng đồng để thực hiện kịp thời.
TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cu-the-hoa-che-tai-quan-ly-phat-trien-do-thi.html
Bình luận (0)