Nhiều quán phở tại TP.HCM được gọi tên
Theo đó mới đây, các nhà hàng, quán ăn tại Hà Nội và TP.HCM khi được giải thưởng Michelin gọi tên đã nhận được sự quan tâm lớn từ những người yêu ẩm thực Việt. Trong 29 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng) được Michelin công bố, danh sách các quán phở thu hút sự chú ý lớn.
Nhiều người sành ăn ở Sài Gòn thắc mắc vì sao các quán phở được “ưu ái” trong khi bánh mì, bún mắm, bún riêu, bún bò… thì lại “mất hút” trong sự kiện này.
Trong đó, có 7 quán phở ở TP.HCM được đưa vào danh sách này, bao gồm: phở Chào, phở Hòa Pasteur, phở Hoàng, phở Hương Bình, phở Lệ, phở Minh, phở Phượng. Trong khi đó, có 4 quán phở ở Hà Nội gồm phở Ấu Triệu, phở gà Nguyệt, phở Gia Truyền, phở 10 Lý Quốc Sư được giải thưởng danh giá này.
Đến giờ, bà Nguyễn Ngọc Phượng (chủ quán phở Phượng ở Q.1) vẫn còn lâng lâng trước tin mừng quán ăn gần 40 năm của mình là một trong 7 quán phở tại TP.HCM có tên trong danh sách nhà hàng Bib Gourmand. Hơn nữa, quán phở Hoàng, cũng nằm trong danh sách này, là quán do em trai của bà Phượng làm chủ.
“Nghe mọi người nói Michelin về Việt Nam có trao giải cho những quán ăn ở Sài Gòn và Hà Nội nên tôi lên mạng xem thử. Bất ngờ thấy có tên quán mình trên đó. Tất nhiên được giải thì mình vui rồi. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa, phục vụ khách ngày càng tốt hơn”, bà chủ cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Chủ quán phở
Nhận xét về quán phở Phượng trên trang web, Michelin Guide cho biết giống như hầu hết các quán phở, bạn có thể gọi món đặc biệt của gia đình để nếm thử các loại thịt bò khác nhau. Nhưng thành phần phổ biến nhất ở đây là đuôi bò – được hầm trong 40 tiếng cho đến khi thịt mềm và da sền sệt.
Bà Phượng (năm nay 57 tuổi) cho biết bà mở quán khi bà 18 tuổi. Bà sống “độc thân, vui tính” và cứ thế gắn bó với quán ăn này suốt mấy chục năm qua. Quán là tâm huyết của cả cuộc đời bà.
Chị Thanh Huyền (35 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) hôm nay cũng ghé quán ăn. Chị cho biết mình là khách quen của quán phở Phượng, hôm trước vô tình biết quán được giải thưởng Michelin nên hôm nay sắp xếp lịch cùng gia đình ghé ăn.
“Tôi thích nhất nước lèo ở đây, có hậu ngọt của nước hầm xương hợp với khẩu vị của người miền Nam. Tôi cũng nhiều lần thử quán phở Bắc nhưng không hợp. Tất nhiên không nói quán nào ngon hơn quán nào vì nó thuộc khẩu vị mỗi người và sự khác biệt vùng miền. Quán nào hợp vị mình, phục vụ tốt thì gắn bó lâu dài thôi”, vị khách nêu quan điểm.
Quán phở Phượng được lòng nhiều thực khách
Trong khi đó, chị Hồng Nhung (27 tuổi, ngụ Q.1) là một khách quen của quán phở Hòa Pasteur (Q.3) thì cho rằng chị không ngạc nhiên khi quán có trong “bảng vàng” của Michelin. Chị cho rằng với hương vị phở đậm đà và hợp với khẩu vị của người Việt, đặc biệt là người nước ngoài cùng cung cách phục vụ chuyên nghiệp, sạch sẽ khiến cho quán xứng đáng được khách ghé ăn nhiều lần.
“Phở Hà Nội và TP.HCM có nhiều khác biệt”
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, người có kinh nghiệm hơn 50 năm “đứng bếp” với những am hiểu về phở Việt Nam và từng được trao trọng trách nấu ăn thết đãi 21 vị nguyên thủ quốc gia tại APEC 2017, cũng có những đánh giá về danh sách nhà hàng Bib Gourmand của Michelin Guide. Bà Ánh Tuyết cũng tham dự “Lễ công bố danh sách những nhà hàng đầu tiên được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TP.HCM” hôm 6.6.
Nữ nghệ nhân cho biết Michelin Guide sẽ có những tiêu chí riêng của họ để chọn ra được danh sách này nên khó có thể đánh giá là chính xác hay không.
“Ẩm thực rất khó! 5 người 10 ý, có thể quán phở này hợp với người này nhưng lại không hợp với người khác và ngược lại. Không dễ để định nghĩa: “Thế nào là ngon?”, vì nó tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người. Khi vị phở đó nó vừa với khẩu vị người ăn thì đó là ngon. Tiêu chí của người ta đánh giá thì mình cũng không biết nó như thế nào nên cũng không thể đánh giá được”, nghệ nhân bày tỏ.
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, phở Hà Nội và phở tại TP.HCM sẽ có những khác biệt nhất định trong hương vị để phù hợp với thời tiết và văn hóa vùng miền. Trong đó, điểm nổi bật có thể kể đến là phở TP.HCM sẽ có vị ngọt nổi trội hơn so với phở Bắc.
“Người nào nấu mà bắt được cái thần của những vị khách, tức là dung hòa được hương vị để nó phù hợp với nhiều người hơn cả thì đó là một thành công. Ví dụ có 100 thực khách vào nhà hàng mình ăn, 90 người khen ngon, đó là thắng lợi. Tôi đang đề cập đến hương vị bên cạnh các yếu tố khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, view đẹp, thái độ phục vụ khách…”, bà Ánh Tuyết chia sẻ với PV Thanh Niên.
Với nữ nghệ nhân, sự xuất hiện của Michelin tại Việt Nam là một sự ngoạn mục của ẩm thực Việt. Trước đó, bà đã rất hy vọng, mong đợi một ngày nào đó giải thưởng này sẽ về Việt Nam để khẳng định vị thế, lan tỏa rộng hơn ẩm thực Việt ra thế giới. Theo bà, sự xuất hiện của Michelin sẽ tạo điều kiện thuận lợi kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa Việt vì không có con đường du lịch nào hấp dẫn bằng con đường ẩm thực.