Tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính
Hà Nội xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.
Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ giúp tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7.
Với mục tiêu đó, TP Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.
Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm được thực hiện trên cơ sở: “Quyết tâm đổi mới – thận trọng triển khai – khả thi, thực tế” với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân – doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả
Giai đoạn đầu (từ tháng 10/2024 đến hết tháng 3/2025), TP Hà Nội chỉ tập trung thành lập tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ, sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng khung quản trị nội bộ; tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính.
Nhân sự của Trung tâm gồm công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; quản lý, vận hành, giám sát, hỗ trợ hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; quản lý Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố; công tác văn phòng, tài chính, kế toán thuộc biên chế của Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố.
Đối với nhân sự làm việc tại Trung tâm, ngoài công chức, viên chức thuộc biên chế, căn cứ yêu cầu thực tiễn và tính chất công việc, sẽ nghiên cứu ưu tiên phương án ký hợp đồng có thời hạn (đặc biệt là với các chuyên gia) theo quy định tại khoản 2 Điều 15, Luật Thủ đô năm 2024 và thuê dịch vụ theo quy định đảm bảo không làm tăng biên chế trong tổng biên chế chung của TP Hà Nội.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, với mô hình tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm phục vụ hành chính công trong giai đoạn đầu, chất lượng các dịch vụ hành chính công được cải thiện. Người dân và doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cơ chế giám sát cùng kết quả của việc tái cấu trúc thủ tục hành chính sẽ tối ưu hóa các quy trình, giảm bớt thời gian chờ đợi và chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền; giảm thiểu các tác động tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công.
Song, hoạt động số hóa và sự thay đổi trong quy trình thủ tục hành chính có thể khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc làm quen, thích ứng. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đã được dự báo, Trung tâm Phục vụ Hành chính công cần thận trọng trong quá trình triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu và phân tích các yếu tố tác động để đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời ngăn chặn và khắc phục các vấn đề phát sinh, giảm thiểu tối đa tác động đến người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/giai-quyet-tinh-trang-ach-tac-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh.html