Chiều 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ thông báo về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8 và tình hình thực hiện các chính sách về sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố.
Cử tri nêu các kiến nghị liên quan việc triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị Cần Thơ; hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn hoặc có giải pháp công trình gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở; tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn.
“Hiện nay mức hỗ trợ đóng BHXH đối với hội nghèo là 30%, hộ cận nghèo 25% còn đối tượng khác là 10%, trong khi mức tăng lương cơ bản là 30% áp dụng từ 1/7/2024 làm cho mức BHXH tăng cao, càng ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của nông dân và người lao động tự do. Tôi xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Đoàn ĐBQH thành phố chỉ đạo đề xuất tăng mức hỗ trợ để nông dân và người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn, góp phần đảm bảo an ninh xã hội trong tương lai”, cử tri Đặng Hoài Thanh – Hội viên Nông dân quận Thốt Nốt kiến nghị.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng nêu các ý kiến liên quan việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ còn chậm; kiến nghị về hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh, chính sách tín chỉ cacbon để tăng thu nhập cho nông dân; tín dụng ưu đãi cho nông dân, hỗ trợ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và đầu ra nông sản; hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, làm việc tại các khu công nghiệp….
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đang nỗ lực để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, cảng Cái Cui, các cảng thủy nội địa…; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL.
Theo Thủ tướng, ĐBSCL có 2 điểm nghẽn là hạ tầng đang được tháo gỡ tích cực và điểm nghẽn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu giải quyết được 2 điểm nghẽn lớn này thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết ĐBSCL hiện có 4 vấn đề lớn là sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng. Riêng năm 2023 đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ứng phó sạt lở tại khu vực ĐBSCL, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé…
Với người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, Thủ tướng chỉ rõ tinh thần là địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ. Thủ tướng cho biết, cả nước đang chung tay với quyết tâm đến hết năm 2025 phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại ĐBSCL.
Về phản ánh Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL còn chậm, Thủ tướng cho biết đây là mô hình mới, rất quan trọng và cần thiết cho ĐBSCL. Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện.
Liên quan kiến nghị của cử tri về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xem xét, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho người nông dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo bởi vì đây là đòi hỏi chính đáng.
Để phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm các nội dung: Quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu phân khúc chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn; phát triển thị trường với sự tham gia của doanh nghiệp; liên kết sản xuất lớn; phát triển hạ tầng số, thủy lợi, giao thông, điện, công nghiệp chế biến… Đồng thời dứt khoát phải cơ giới hoá, điện khí hoá, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thu-tuong-giai-quyet-duoc-2-diem-nghen-dbscl-se-phat-trien-manh-10292429.html