Dự báo nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. (Ảnh: Sưu tầm)
7 tỉnh có ổ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM); 5 tỉnh có ổ dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC); buộc tiêu hủy 18.926 con gia cầm và 5.200 con heo. Đặc biệt 20 người tử vong vì bệnh dại tại 13 tỉnh và có 80 động vật tại 22 tỉnh, thành phố buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh dại. Theo dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và môi trường, nguồn cung cấp thực phẩm…
Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngày 12-4-2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh ký ban hành Công văn về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y và các chương trình, kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được ban hành.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đảm bảo phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức có hiệu quả Kế hoạch số 8267/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bến Tre năm 2025.
Sở Y tế chủ động hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người.
UBND các huyện, thành phố kịp thời chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát sinh, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới. Xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Chủ động công tác phòng bệnh cho động vật nuôi, đặc biệt công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Tổ chức triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi hiện có tại thời điểm tiêm phòng… Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Phương Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/giai-phap-phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam-14042025-a145150.html
Bình luận (0)