Trước tình hình trên, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp cho chăn nuôi gia cầm. Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cuộc trò chuyện với phóng viên các cơ quan báo chí về hội nghị này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông cho biết lý do vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại tổ chức hội nghị về gia cầm vào thời điểm này?
Ông Tống Xuân Chinh: Đây là thời điểm rất khó khăn của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Trong 2 năm vừa qua, cả đầu vào và đầu ra của ngành chăn nuôi đều gặp khó; đặc biệt, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, thịt gia cầm và trứng là sản phẩm quan trọng đối với hệ thống an ninh lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về gia cầm để trao đổi giữa các bên liên quan nhằm tìm các giải pháp để vượt qua khó khăn của ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm hiện nay.
PV: Ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm trong những năm gần đây liên tục gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ nào?
Ông Tống Xuân Chinh: Một trong những định hướng của ngành chăn nuôi và nó cũng là nỗi niềm của không chỉ ngành chăn nuôi mà cả ngành nông nghiệp là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, ngành chăn nuôi đã có định hướng quan trọng khi chúng ta đã bỏ luật quy hoạch về sản phẩm cụ thể mà chỉ còn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh về kinh tế-xã hội. Chính vì thế, Cục Chăn nuôi đã tham mưu đưa đơn vị vật nuôi vào để đánh giá mật độ chăn nuôi. Đây là yếu tố khoa học-công nghệ quan trọng để chúng ta hình thành, định hình quy hoạch trong chăn nuôi nhưng không bằng quy hoạch thông thường mà qua các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung.
Trong thời gian tới, chúng ta phải kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn đối với cung – cầu trong chăn nuôi. Một trong những giải pháp hiệu quả là đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi. Thông qua chuyển đổi số, chúng ta mới quản lý, giám sát được toàn bộ chuỗi sản xuất, khả năng về nguồn cung sản phẩm, từ đó mới có thể dự báo tốt cung cầu của thị trường.
PV: Thưa ông, có một nghịch lý lâu nay là mặc dù giá sản phẩm chăn nuôi có lúc xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nhưng sản phẩm gia cầm tới tay người tiêu dùng lại không hề giảm tương ứng, thậm chí người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao?
Ông Tống Xuân Chinh: Đây thực sự là vấn đề chúng ta sẽ phải phấn đấu giải quyết trong thời gian tới. Đúng là lợi ích, lợi nhuận trong chăn nuôi phân bổ không đồng đều giữa các khâu: Người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối tiêu dùng. Lợi nhuận lớn thường ở khâu phân phối, lưu thông, giết mổ; còn người chăn nuôi thường hưởng lợi nhuận thấp.
Để giải quyết vấn đề này thực sự rất cần vai trò của nhà nước, liên quan đến các bộ, ngành, không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn liên quan đến Công Thương, Y tế…. để bảo đảm phân bổ chuỗi giá trị phù hợp hơn để giúp cho người chăn nuôi đỡ khó khăn, có động lực để duy trì sản xuất, cung ứng thực phẩm cho chúng ta.
Kinh nghiệm ở một số nước, người tiêu dùng có thể mua bất cứ sản phẩm nào theo giá thị trường, còn dịch vụ thì chỉ được cộng thêm 10% giá trị sản phẩm.
PV: Trong bối cảnh kinh tế nước ta xuất hiện những khó khăn từ cuối năm 2022 đến nay, tình trạng người lao động thiếu việc làm, mất việc tại các khu công nghiệp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam khiến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng lại càng khó khăn hơn, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh: Tôi nhất trí quan điểm này với phát hiện của báo chí. Đúng, thực sự lúc này sức sản xuất của chúng ta rất lớn. Bà con nông dân tiếp ứng khoa học-công nghệ về giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi rất nhanh. Sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, chúng ta chuyển một phần từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm. Điều này bảo đảm 2 yếu tố: Giải quyết tốt dịch bệnh gia cầm hơn khi chúng ta đang phải giải quyết dịch tả lợn châu Phi; việc xử lý vấn đề môi trường đối với chăn nuôi gia cầm đơn giản hơn nhiều so với chăn nuôi lợn (tính trên một đơn vị sản phẩm).
Một yếu tố nữa là vòng quay của chăn nuôi gia cầm rất nhanh, đối với con gà lông màu 5-5,5 vòng chăn nuôi/năm; sức sản xuất chăn nuôi gia cầm rất là lớn: Năm 2022 chúng ta nhập khẩu tới 3,4 triệu con gia cầm bố mẹ (vượt so với mọi năm chỉ khoảng 2 triệu con).
Từ năm 2022 đến nay, do nhiều yếu tố, nhu cầu sản phẩm gia cầm thương phẩm của người tiêu dùng giảm, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.
PV: Ở hội nghị lần này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông kỳ vọng điều gì?
Ông Tống Xuân Chinh: Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu từ nay trở đi, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khu vực tư nhân, đặc biệt là đối với các hiệp hội, đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác tham gia chuỗi sản xuất trong ngành chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn.
Chúng tôi cũng kỳ vọng về việc tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết sản xuất nội khối giữa người sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến, phân phối, lưu thông… Chúng ta hợp tác với nhau dưới sự chỉ đạo của hiệp hội, thông qua đó có thể giảm ít nhất 10% trở lên giá thành đầu vào, giải quyết yếu tố đầu ra.
Đặc biệt, người chăn nuôi phải tổ chức liên kết sản xuất thành các hợp tác xã chăn nuôi với doanh nghiệp thì mới có thể tạo thành chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất chăn nuôi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)