Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới sẽ diễn ra trong 2 ngày 26-27/6 với 3 buổi thi, giảm 1 buổi thi và 2 môn thi so với trước đây. Bộ GD&ĐT cũng tăng tỷ lệ sử dụng điểm học bạ từ 30% năm ngoái lên 50%. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được miễn thi nhưng không được quy đổi thành điểm 10 để xét tốt nghiệp.
Ngoài ra, quy chế cũng quy định, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề, bãi bỏ xét tuyển sớm,… đều có tác động đến thí sinh.
Lê Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 12 A4, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại em đang nỗ lực hết sức để trang bị kiến thức cũng như cập nhật thông tin mới từ Bộ GD&ĐT, các trường ĐH.
“Dù tâm trạng khá mông lung nhưng điều quan trọng nhất vẫn là rèn kỹ năng làm các dạng bài, luyện đề để tham dự các kỳ thi riêng, sau đó là thi Tốt nghiệp THPT”, Đạt nói.
![]() |
Học sinh năm nay có nhiều tâm tư trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT. |
Theo nam sinh, em tham gia thử sức ở các kỳ thi riêng của Đại học Bách Khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG tuy nhiên không chắc chắn các kỳ thi riêng có còn an toàn như những năm trước. Nếu như năm ngoái, các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực vẫn chiếm ưu thế, áp đảo và thí sinh có thể yên tâm trước kỳ thi tốt nghiệp thì đến giữa năm nay có nhiều sự thay đổi, tác động đến tâm lý học sinh.
Em hi vọng, các trường đại học sẽ có công thức quy đổi công bằng, minh bạch và có lợi cho thí sinh, tránh trường hợp em điểm cao trong các kỳ thi riêng cũng trượt. Nếu các trường chỉ quy đổi điểm theo thang 30 và không nhân hệ số sẽ khá bất lợi.
Cũng theo Tiến Đạt, bên cạnh những băn khoăn, lo lắng em thấy kỳ thi năm nay cũng có nhiều ưu điểm. Với việc thi 4 môn thi đã phần nào giảm áp lực cho thí sinh. Đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT đã bỏ đi khá nhiều kiến thức không cần thiết, thay vào đó tập trung hơn vào các dạng toán ứng dụng thực tế. Đề cũng hạn chế tối đa sự may mắn khi khoanh bừa vẫn có thể trúng và "ăn" điểm nhằm đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh. Phần trắc nghiệm đúng sai với 4 ý trong 1 câu hỏi, nếu sai 1 ý sẽ mất 0,5 điểm đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc, làm bài cẩn thận mới đạt điểm tối đa.
"Học sinh cuối cấp cùng lúc chạy theo các kỳ thi riêng, thi tốt nghiệp THPT nên đòi hỏi phải tăng tốc. Ngoài học ở trường, em cũng phải dành thời gian đến các lớp ôn luyện thi để cũng cố kiến thức, kỹ năng làm đề nhằm đạt mục tiêu", Đạt nói.
Từng "sốc" khi học Ngữ văn chương trình mới
Em Phạm Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội cũng chia sẻ về hai nỗi lo khi đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời đó là trúng tuyển vào đại học như mong đợi và lựa chọn ngành nghề làm sao đảm bảo có đầu ra tốt.
Về học tập để chuẩn bị cho kỳ thi, theo Quỳnh Anh, em từng học rất tốt môn Ngữ văn, đạt điểm cao đầu vào THPT nhưng khi bắt đầu học chương trình mới, phương pháp mới, em đã bị “sốc” đã đạt điểm thấp. Sau khoảng hai năm chấp chới, em mới dần thích nghi học theo chương trình mới, có kỹ năng tìm kiếm và sử dụng thông tin, ngữ liệu trong các bài viết.
Ngoài ra, nữ sinh cũng khá lo lắng với môn Toán, nhất là năm nay đề thi có sự đổi mới, thêm hai dạng thức câu hỏi trắc nghiệm. Trong đó, dạng thức trắc nghiệm đúng sai khiến em thường xuyên mất điểm số điểm lớn trong các bài kiểm tra, thi thử và vẫn là một thách thức lớn. Dạng bài trắc nghiệm điền khuyến có tính vận dụng, yêu cầu khó nên em cũng thường không hoàn thành hết.
Cùng với những sự thay đổi trong kỳ thi năm nay khiến em lo lắng liệu có trúng tuyển vào ngôi trường mình mơ ước dù từ năm lớp 11 em đã chuẩn bị hành trang cho mình bằng việc thi chứng chỉ IELTS để lên lớp 12 dồn sức cho kỳ thi riêng và thi tốt nghiệp.
Về lựa chọn ngành nghề, Quỳnh Anh nói rằng, dù chưa xác định được cụ thể nhưng em sẽ chọn nhóm ngành Marketing vì đây là một lĩnh vực rộng và có chung một bộ kỹ năng. Đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, ngoài bản thân em phải nhờ sự tư vấn của gia đình để đưa ra quyết định hợp lý nhất.
"Thị trường lao động sẽ luôn có sự biến động và sự lựa chọn hôm nay chưa chắc chắn sẽ đúng cho 4-5 năm về sau tuy nhiên em phải xác định rằng, phải không ngừng trau đồi tri thức, có kỹ năng để thích ứng nếu không sẽ không bắt kịp", Quỳnh Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐH) cho rằng, thời điểm này học sinh tập trung học để có kiến thức nền tảng tốt nhất, các trường ĐH sẽ phải đảm bảo nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo công bằng. Ông cũng khẳng định, việc quy đổi điểm là của các cơ sở giáo dục đào tạo nhưng đều phải đảm bảo nguyên tắc quan trọng nhất đó là sự công bằng cho thí sinh với mục tiêu, em giỏi nhất sẽ trúng tuyển. Hệ thống sẽ lựa chọn học sinh có kết quả tốt nhất nên các em cần quan tâm “trong tay có gì”, còn lại hệ thống phần mềm sẽ giải quyết, chọn lọc thí sinh.
Nguồn: https://tienphong.vn/hoc-sinh-tam-tu-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-post1730330.tpo
Bình luận (0)