Trong hơn một năm qua, giới hoạch định chính sách của Fed luôn thống nhất quan điểm thà tăng mạnh lãi suất còn hơn tăng nhỏ giọt. Điều này cho thấy Ngân hàng trung ương Mỹ đặc biệt quan ngại nguy cơ lạm phát cao thường trực. Tuy nhiên, cách nhìn nhận đó đang thay đổi.
Trong một năm qua, Fed luôn lấy kinh tế suy yếu là luận điểm để giải thích cho việc dừng tăng lãi suất. (Nguồn: Reuters) |
Nguy cơ lạm phát cao thường trực
Một số quan chức Fed vẫn thiên về ủng hộ tăng lãi suất cao, với lý do có thể cắt giảm lãi suất sau đó. Thế nhưng, số khác lại nhìn nhận các nguy cơ hiện ở mức cân bằng hơn. Họ lo ngại tăng lãi suất và đẩy kinh tế suy yếu là không cần thiết, hoặc nó sẽ kích hoạt một cơn bất ổn tài chính mới.
Chuyển dịch quan điểm đánh giá cân bằng hơn về lãi suất được củng cố bởi dữ liệu: Lạm phát và thị trường lao động dịu lại. Ngoài ra, chính sách tăng nhanh lãi suất bất thường thực thi trong một năm rưỡi qua sẽ tiếp tục làm suy yếu cầu tiêu dùng trong những tháng tới.
Giới chức Fed ra quyết định tăng lãi suất trong 11 trên tổng số 12 cuộc họp gần đây, mới nhất là mức tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 7/2023, đưa lãi suất cơ bản lên mức 5,25-5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm. Họ dường như đạt được đồng thuận rộng rãi về việc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp từ ngày 19-20/9, để có thêm thời gian đánh giá, lượng định nền kinh tế phản ứng ra sao khi lãi suất tăng.
Vấn đề đáng quan tâm hơn cả chính là việc nhân tố nào sẽ đẩy Fed tăng lãi suất vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Hồi tháng 6/2023, phần lớn quan chức cơ quan này đều bảo lưu quan điểm cần có thêm hai đợt tăng lãi suất nhẹ, đồng nghĩa sẽ có một đợt tăng 0,25 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm 2023 (sau mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng Bảy). Tuy nhiên, tăng lãi suất hay không hiện vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Trong một năm qua, Fed luôn lấy kinh tế suy yếu là luận điểm để giải thích cho việc dừng tăng lãi suất. Khi lạm phát dịu xuống, “gánh nặng” đó lại được chuyển sang kinh tế tăng trưởng vững – coi đây là lý do để neo mức lãi suất cao hơn.
Đó chính là những gì mà Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã đề cập: Nguy cơ về hoạt động kinh tế tốt hơn dự báo sẽ làm giảm bước tiến gần đây trong cuộc chiến chống lạm phát.
Bằng chứng về tăng trưởng vượt kỳ vọng “có thể sẽ đẩy tiến triển chống lạm phát đứng trước nguy cơ, có thể buộc phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”, ông Powell nêu quan điểm tại hội nghị Jackson Hole hồi tháng 8 vừa qua.
Đề cao chính sách phòng vệ
Trong nội bộ Fed, có một trường phái vẫn còn lo ngại về lạm phát và muốn có một chính sách phòng vệ chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất vào mùa Thu năm nay. Những nhà hoạch định chính sách này lo ngại việc chấm dứt chiến dịch thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ đưa đến hệ quả vài tháng sau đó Fed nhận ra rằng thực thi chính sách chưa đủ liều lượng.
Thiếu sót này sẽ gây đổ vỡ đặc biệt lớn nếu các thị trường tài chính bị cuốn theo quan điểm lạm phát giảm, lãi suất giảm và giờ nhận ra thực tế đối lập.
Trong bài trả lời phỏng vấn hồi năm ngoái, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester nêu quan điểm: “Siết chặt quá mức là một nguy cơ. Nhưng chúng ta đã từng đánh giá thấp về lạm phát. Để lạm phát kéo dài hơn cũng gây tổn thất cho nền kinh tế. Tôi sẽ sẵn sàng cắt giảm lãi suất khá nhanh trong năm tới”.
Một số quan chức Fed lo ngại, tăng lãi suất và đẩy kinh tế suy yếu là không cần thiết, hoặc sẽ kích hoạt một cơn bất ổn tài chính mới. (Nguồn: AP) |
Tuần trước, Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho rằng, ngân hàng trung ương Mỹ nên tăng lãi suất nếu thấy điều đó là cần thiết. Bởi một đợt tăng nhẹ lãi suất nữa cũng không hẳn sẽ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái.
Cùng quan điểm trên là Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Lorie Loga, người cho rằng không tăng lãi suất trong tháng 9 này không có nghĩa là Fed dừng hẳn lộ trình tăng.
Giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn
Một trường phái khác lại thiên về ủng hộ dừng tăng lãi suất. Họ muốn chuyển trọng tâm từ tăng lãi suất đến ngưỡng nào sang giữ lãi suất hiện tại trong thời hạn bao lâu. Kinh tế Mỹ duy trì mức tăng trưởng 2,1% trong quý II/2023 và có thể đạt trên 3% trong quý III này.
Nhưng nhóm quan chức Fed này nghi ngờ về khả năng tăng trưởng ổn định, nhất là khi kinh tế Trung Quốc, châu Âu suy giảm, còn Mỹ cũng sẽ chịu thẩm thấu tác động tiêu cực từ tăng lãi suất do hiệu ứng độ trễ.
Theo bà Susan Collins, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, nguy cơ lạm phát tăng và đứng trong thời gian dài hơn giờ đây cần phải được nhìn nhận cân bằng với nguy cơ chính sách thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế mạnh hơn. Fed cần kiên nhẫn trong giai đoạn chu kỳ chính sách hiện nay.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 3,9% lên 4,25% kể từ sau cuộc họp chính sách của Fed hồi tháng 7. Điều này làm tăng chi phí lãi vay, nhất là lãi suất vay mua nhà, vốn gần đây đạt đỉnh trong 22 năm.
Nhiều người cũng lo ngại rằng, nếu một đợt tăng lãi suất mới sau đó được chứng minh là không cần thiết, tiến trình cắt giảm lãi suất sẽ rắc rối hơn và gây hệ quả xấu hơn so với những gì mà giới chức theo quan điểm “diều hâu” ước đoán.