Bất kỳ ai đi qua đường Mai Chí Thọ – tuyến đường trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) – vào đầu năm mới 2025 đều không khỏi ngậm ngùi khi mục sở thị hàng ngàn căn hộ bỏ hoang tại khu tái định cư diện tích 38,4 ha thuộc phường Bình Khánh.
Giải cứu các khu đô thị bỏ hoang – những “kho chứa tài sản chết”
Bất kỳ ai đi qua đường Mai Chí Thọ – tuyến đường trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) – vào đầu năm mới 2025 đều không khỏi ngậm ngùi khi mục sở thị hàng ngàn căn hộ bỏ hoang tại khu tái định cư diện tích 38,4 ha thuộc phường Bình Khánh.
Những căn hộ này được xây dựng với mục tiêu tái định cư tại chỗ cho 10.000 hộ dân bị giải tỏa để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng lại trở thành “kho chứa tài sản chết”.
Giống như nhiều khu tái định cư ở Hà Nội, dù nằm ở vị trí “vàng”, với giá mỗi căn hộ cao cấp xung quanh lên đến 100 triệu đồng/m2, nhưng sự hoang vắng hiện bao trùm khu tái định cư này. Với 3.790 căn hộ để trống, chưa có người ở, mỗi năm TP.HCM phải chi hàng chục tỷ đồng để bảo trì, nhưng hạ tầng vẫn xuống cấp, cây xanh chết dần, vỉa hè và lối lên xuống sản một số tòa nhà lún sụt…
Ảnh minh họa |
Nhà là nơi để ở, là tổ ấm. Vậy nên, dù bỏ ra bao nhiêu tiền để sơn sửa đi nữa, thì nhà bỏ hoang vẫn chỉ là khối bê tông lạnh lùng. Được biết, số căn hộ này đã được TP.HCM đấu giá 3 lần. Lầu tiên vào năm 2017 với mức giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng. Lần thứ 2 vào năm 2018 với giá khởi điểm 9.100 tỷ đồng.
Lần 3 vào năm 2021 với giá khởi điểm là 9.900 tỷ đồng. Song, cả 3 lần đều thất bại vì không có người tham gia đấu giá.
TP.HCM vẫn chủ trương bán đấu giá lượng căn hộ nói trên. Theo kế hoạch, để phục vụ công tác bán đấu giá, thời gian hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của 3.790 căn hộ này kéo dài từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025. Trước tháng 10/2025, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn và thuê đơn vị thực hiện đấu giá. Dự kiến sẽ tổ chức đấu giá trước tháng 11/2025.
Không chỉ khu tái định cư ở Bình Khánh, TP.HCM hiện còn gần 9.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân nằm rải rác tại 85 chung cư/cụm chung cư trên địa bàn TP. Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Với người dân, không ít người vẫn đang ao ước có được chỗ ở trong những căn hộ bỏ không đó, bởi họ hiện phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, ẩm thấp, thiếu an toàn. Với doanh nghiệp, đó là sự thất bại, vì làm ra một dự án, nhưng không bán được hàng, hoặc không thu hút được người dân đến ở vì nhiều lý do.
Xét trên góc độ kinh tế, đó là sự lãng phí rất lớn. Thử làm một phép tính, chỉ với giá 2 tỷ đồng/căn (thuộc phân khúc bình dân), thì số tiền đang bị “chôn” trong những chung cư này đã lên hơn 18.000 tỷ đồng. Số vốn trên đủ để xây gần 10 nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo chủ trương đầu tư mới, 3 cây cầu Thủ Thiêm 4 và dư sức xây cầu Cần Giờ bắc qua sông Soài Rạp, mở rộng Quốc lộ 13… Cũng bởi vậy, mọi sự lãng phí tài sản công, dù có giải thích thế nào, cũng khó có thể chấp nhận.
Để giải quyết khối tài sản trên, các chuyên gia và TP.HCM từng tính đến nhiều phương án, trong đó có việc chuyển đổi sang quỹ nhà ở xã hội. Nhưng do quy định về nhà ở xã hội rất khắt khe, nên chủ trương của Thành phố là tiếp tục bố trí tái định cư tại một số dự án, còn lại sẽ bán đấu giá.
TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả… nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Thành phố đã giao Sở Xây dựng rà soát các công trình nhà ở gồm nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khác; đồng thời xác định danh mục các dự án, công trình không sử dụng, sử dụng không hiệu quả để đề xuất kế hoạch xử lý vướng mắc.
Người dân đang chờ đợi sự chuyển động nhanh trong việc xử lý những khối tài sản bỏ hoang, cùng hàng loạt dự án đang gặp vướng mắc, bởi đã nói nhiều, bàn nhiều, nhưng những khối bê tông lạnh lùng ấy vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đây cũng là thực trạng tại không ít địa phương khác, trong đó có Hà Nội, khi nhiều “kho chứa tài sản chết” đang nằm phơi sương.
Nếu quyết tâm đủ lớn và hành động quyết liệt, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành, đồng thời phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”- như phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án với lãnh đạo TP.HCM, thì hàng trăm công trình, hàng trăm dự án lớn đang “án binh bất động” sẽ sớm phát huy được hiệu quả và tất yếu, nhiều “kho chứa tài sản chết” sẽ trở thành kho báu.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/giai-cuu-cac-khu-do-thi-bo-hoang—nhung-kho-chua-tai-san-chet-d239598.html