Giải bài toán khó ở Ukraine

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế11/02/2025

Hôm nay 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần tới Đức, Bỉ và Ba Lan.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm châu Âu: Áp lực trước, trấn an sau
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến sân bay Joint Base Andrews, bang Maryland bắt đầu chuyến thăm 3 nước châu Âu. (Nguồn: Mitv)

Đáng chú ý, cũng trong những ngày ông Pete Hegseth đến châu Âu, Phó Tổng thống James David Vance cũng có mặt tại Paris, Pháp để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo và sau đó bay đến Đức để góp mặt tại Hội nghị An ninh Munich cùng với Ngoại trưởng Marco Rubio.

Bàn chuyện an ninh

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Đức, ông Pete Hegseth đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (USEUCOM) và Bộ Tư lệnh châu Phi của nước này (AFRICOM). Sau đó, ông chủ Lầu Năm Góc dự cuộc họp với những người đồng cấp các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại Bỉ. Trong chặng cuối cùng ở châu Âu, ông Hegseth sẽ bay sang Warsaw để hội đàm với lãnh đạo Ba Lan và giới chức quốc phòng nước này.

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, tại Brussels, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth "sẽ cùng các đồng minh và đối tác NATO thảo luận về nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường sự lãnh đạo của châu Âu và mở rộng năng lực cơ sở công nghiệp quốc phòng ở cả hai bờ Đại Tây Dương".

Bên cạnh đó, trong cuộc họp với các đồng minh UDCG, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ "khẳng định lại cam kết của Tổng thống Donald Trump về chấm dứt xung đột Ukraine bằng biện pháp ngoại giao càng sớm càng tốt". Cũng tại UDCG, ông Hegseth nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo của châu Âu trong vấn đề hỗ trợ an ninh cho Ukraine, điều mà Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã nhiều lần kêu gọi đồng minh phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Tuy nhiên, về phần mình, cho đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có tuyên bố nào rõ ràng về kế hoạch viện trợ trong tương lai thế nào cho Ukraine. Điều này đã khiến Kiev và các đồng minh NATO cũng như EU lo lắng. Dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden, Mỹ luôn là nước đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine và cho đến khi ông Biden rời Nhà Trắng, chính quyền của ông đã cam kết cung cấp cho Kiev khoảng 175 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự và thực tế đã chuyển tới Ukraine hàng chục tỷ USD và khí tài quân sự.

Thế nhưng, kể từ khi trở lại Nhà Trắng, và thậm chí ngay từ trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine "trong vòng 1 ngày", xem lại viện trợ cho Kiev, yêu cầu các đồng minh EU nâng mức đóng góp cho NATO đồng thời yêu cầu cam kết an ninh của nước Mỹ tại châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm châu Âu: Áp lực trước, trấn an sau
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth ký văn bản trong khi đang ở trên máy bay quân sự trên đường đến Đức, ngày 10/2. (Nguồn: us.defense.gov)

Áp lực và trấn an

Những tuyên bố của ông chủ thứ 47 Nhà Trắng đã khiến bầu không khí lo lắng bao trùm Kiev và nhiều nơi khác ở châu Âu về tương lai viện trợ của Mỹ. Điều này không chỉ giảm sự ủng hộ từ Washington mà còn kéo theo sự sụt giảm ủng hộ từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và NATO, khiến cho khả năng chống lại các cuộc tấn công từ Nga của Kiev yếu đi nếu không có sự hỗ trợ thêm từ Washington và NATO.

Ngày 10/2, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Anh ITV News trước thềm cuộc họp UDGC, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nói: "Nếu tôi biết rằng Mỹ và châu Âu không bỏ rơi chúng tôi, rằng họ sẽ hỗ trợ chúng tôi và cung cấp cho chúng tôi các bảo đảm an ninh, thì tôi sẽ chuẩn bị cho bất kỳ hình thức đàm phán nào (với Nga)".

Không dừng lại ở các tuyên bố về cắt giảm viện trợ cho Kiev khiến ông Zelensky lo lắng, trước chuyến đi của 3 quan chức cao cấp Mỹ đến EU, ông Trump còn làm rung chuyển một số đối tác thân cận nhất của Washington bằng cách áp thuế cao đối với các đồng minh trong NATO như Canada và đe dọa sẽ làm như vậy đối với cả Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng đe dọa cả Đan Mạch, một thành viên NATO rằng Mỹ sẽ kiểm soát lãnh thổ Greenland của nước này.

Trong bầu không khí lo lắng bao trùm Kiev và các đồng minh EU bắt nguồn từ những gì Tổng thống Donald Trump tuyên bố, nhiệm vụ chuyến công du tới lục địa già của bộ 3 quan chức cấp cao Mỹ trong tuần này cho thấy chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đang được triển khai ráo riết. Một sự triển khai quyết đoán nói là làm theo phong cách của ông chủ Nhà Trắng: áp lực trước, trấn an sau để luôn có được lợi thế trong các cuộc đàm phán và thương lượng.



Nguồn: https://baoquocte.vn/bo-truong-quoc-phong-my-tham-chau-au-giai-bai-toan-kho-o-ukraine-303932.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available